Hiệu quả từ trường học bán trú
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định tập thể dục giữa giờ |
Tân Yên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định. Các thầy, cô giáo Trường PTDT bán trú Tiểu học, THCS xã Tân Yên cho biết: Trước đây, khi chưa thành lập trường bán trú, do đường sá đi lại khó khăn, nhà các em đa phần ở cách xa trường nên việc học sinh đi học muộn, nghỉ học, bỏ học diễn ra thường xuyên. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Nhưng từ khi chuyển đổi sang mô hình trường bán trú (năm 2012), được chính quyền, người dân ủng hộ xây dựng nhà ăn, phòng ở bán trú cho học sinh, tình trạng nghỉ học hay bỏ học đã giảm. Năm học 2016 – 2017, nhà trường đã không còn học sinh bỏ học, công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả tốt, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
Tìm hiểu tại huyện Đình Lập được biết, đến nay, toàn huyện có 9 trường thực hiện chuyển đổi mô hình trường học bán trú (2 trường tiểu học và 7 trường THCS). Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập cho biết: Việc chuyển đổi sang mô hình trường bán trú đã giúp giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học không có lý do. Cùng với đó, mô hình này giúp các thầy, cô giáo thuận lợi hơn trong việc kiểm tra bài, đôn đốc các em học tập. Ngoài ra, khi học sinh ở bán trú, vấn đề đảm bảo chế độ ăn, ở, sinh hoạt cho các em được các trường đặt lên hàng đầu. Các trường đều phân công thầy, cô giáo trực bán trú 24/24 giờ, có sự liên lạc chặt chẽ giữa thầy, cô giáo phụ trách và gia đình.
Việc chuyển đổi một số trường học ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa theo mô hình trường bán trú trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2011. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 99 trường PTDT bán trú; trong đó có 40 trường tiểu học, 13 trường tiểu học – THCS, 46 trường THCS. Qua đánh giá kết quả học tập năm học 2016 – 2017, chất lượng giáo dục toàn diện các trường bán trú được nâng lên. Từng cấp học có biến chuyển tốt hơn so với năm học trước, cụ thể như: cấp tiểu học có 99,2% học sinh được đánh giá hoàn thành về phẩm chất và năng lực, tăng 0,24%; cấp THCS, học lực khá, giỏi đạt trên 35%, tăng 2,5% so với năm học trước. Một điều đáng ghi nhận nữa là 100% học sinh ở bán trú, ngoài giờ học chính còn được các thầy, cô giáo dạy phụ đạo học văn hoá và đạo đức lối sống.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục duy trì tốt các mô hình trường bán trú hiện có và nghiên cứu phát triển thêm hệ thống trường bán trú, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng khó khăn.
Ý kiến ()