Hiệu quả từ trồng rừng kinh tế ở Quảng Bình
Nông dân xã Phú Định, huyện Bố Trạch khai thác rừng trồng. Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 100 nghìn ha đất trống đồi núi trọc có thể khai thác để trồng rừng kinh tế. Bình quân mỗi năm các địa phương, đơn vị trong tỉnh trồng mới hơn 5.000 ha rừng tập trung. Nhờ trồng rừng mà hàng nghìn hộ dân có việc làm ổn định và nhiều hộ giàu lên nhanh chóng.Thu nhập cao từ trồng rừngNăm 2011, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình khai thác được hơn 80 nghìn m3 gỗ rừng trồng (tăng gấp ba lần so với năm 2009), giá trị thu được gần 40 tỷ đồng. Trồng rừng đang là hướng đi đầy triển vọng của nền kinh tế nông-lâm nghiệp ở vùng đất nghèo và thiên tai khắc nghiệt này.Năm năm gần đây, trên địa bàn Quảng Bình rộ lên phong trào trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi năm các lâm trường và hộ dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng 4.500 đến 5.500 ha rừng, nâng diện tích toàn tỉnh lên hơn 100 nghìn ha. Trong đó, có hơn 15 nghìn ha thông nhựa, 15 nghìn ha cây...
Nông dân xã Phú Định, huyện Bố Trạch khai thác rừng trồng. |
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 100 nghìn ha đất trống đồi núi trọc có thể khai thác để trồng rừng kinh tế. Bình quân mỗi năm các địa phương, đơn vị trong tỉnh trồng mới hơn 5.000 ha rừng tập trung. Nhờ trồng rừng mà hàng nghìn hộ dân có việc làm ổn định và nhiều hộ giàu lên nhanh chóng.
Thu nhập cao từ trồng rừng
Năm 2011, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình khai thác được hơn 80 nghìn m3 gỗ rừng trồng (tăng gấp ba lần so với năm 2009), giá trị thu được gần 40 tỷ đồng. Trồng rừng đang là hướng đi đầy triển vọng của nền kinh tế nông-lâm nghiệp ở vùng đất nghèo và thiên tai khắc nghiệt này.
Năm năm gần đây, trên địa bàn Quảng Bình rộ lên phong trào trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi năm các lâm trường và hộ dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng 4.500 đến 5.500 ha rừng, nâng diện tích toàn tỉnh lên hơn 100 nghìn ha. Trong đó, có hơn 15 nghìn ha thông nhựa, 15 nghìn ha cây cao-su… góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục nghìn lao động thuộc 60 xã vùng miền núi, trung du và vùng cát ven biển. Việc đẩy mạnh trồng rừng đã góp phần đưa độ che phủ rừng của tỉnh Quảng Bình cao nhất toàn quốc (67,5%).
Đi đầu trong công việc trồng rừng kinh tế ở Quảng Bình là Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại. Năm năm qua, công ty đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế lâm nghiệp truyền thống (khai thác rừng tự nhiên) sang trồng rừng và chế biến lâm sản thu được hiệu quả cao. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp bỏ vốn ra trồng gần 500 ha rừng, đưa diện tích rừng trồng của đơn vị lên hơn 20 nghìn ha. Hiện đơn vị đang chuyển đổi 1.800 ha thông nhựa kém hiệu quả sang trồng cây cao-su. Cùng với việc đầu tư trồng rừng, doanh nghiệp đã xây dựng Nhà máy dăm giấy xuất khẩu tại Khu kinh tế Hòn La.
Trên đường đến xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, chúng tôi gặp ông Lê Văn Sơn ở thôn Lục Giang. Ông Sơn cho biết, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân ở đây được đổi thay là nhờ trồng rừng và cây cao-su. “Cách đây hơn 15 năm, bà con ở các nơi lên lập nghiệp ở Trường Thủy nhưng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình luôn trong cảnh vay mượn lương thực để ăn trong nhiều tháng. Nhiều gia đình không trụ lại được đã kéo nhau trở về quê cũ. Nhờ có dự án trồng rừng Việt Đức, dự án năm triệu ha rừng cho nên người dân nghèo vừa trồng rừng vừa có gạo ăn nên ổn định được đời sống”. Ông Sơn nhớ lại.
Khảo sát bước đầu tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, chúng tôi được biết, có hơn 300 hộ trồng rừng từ 10 ha/hộ trở lên, trong đó có một số hộ có 100 ha rừng. Điển hình là ông Hoàng Văn Tiến ở huyện Lệ Thủy có 120 ha keo lai trồng dọc tỉnh lộ 16 đã bảy năm tuổi. Trong đó, có 80 ha đã cho thu hoạch. Từ đợt thu hoạch rừng này, ông tính thu nhập hơn một tỷ đồng. Hộ gia đình ông Lê Văn Nghĩa ở Quảng Ninh có 28 ha keo lai đang thu hoạch lứa đầu với mật độ 950 cây/ha, ước mang lại cho gia đình ông khoảng 600 triệu đồng.
Làng thanh niên lập nghiệp An Mã, huyện Lệ Thủy có tổng diện tích 6.273 ha, trong đó có gần 4.000 ha lòng hồ An Mã, 1.700 ha được phân cho các hộ gia đình đoàn viên thanh niên lên lập nghiệp. Bình quân mỗi hộ có từ năm đến 10 ha đất trồng rừng và vài ha để trồng cây công nghiệp. Thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện, 125 hộ dân trong làng đã vay hơn 2,2 tỷ đồng để đầu tư trồng rừng và thực hiện các mô hình nông- lâm kết hợp để phát triển kinh tế.
Đến xã vùng cao Hóa Phúc, huyện Minh Hóa để tìm hiểu về nghề trồng rừng, từ cán bộ xã đến người dân đều giới thiệu với chúng tôi về mô hình trồng rừng của anh Đinh Minh Phận ở thôn Si. Anh Phận trồng năm ha rừng, trong đó có 2.000 cây dó trầm. Không chỉ tích cực trồng rừng mà gia đình anh còn nhận chăm sóc hàng nghìn cây bản địa trên diện tích rừng được giao. Mô hình trồng rừng đưa lại thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Anh Phận nói, trồng rừng không khó, không cần nguồn vốn lớn, vấn đề là sự cần cù, chịu khó của người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Hữu Niên, thực hiện đề án phát triển trồng rừng kinh tế, năm nay huyện Minh Hóa rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, hỗ trợ và vận động nhân dân trồng cao-su, trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Toàn huyện phấn đấu trồng mới 700 ha rừng, giao 90.942 ha rừng cho nhân dân chăm sóc và bảo vệ.
Nâng cao hiệu quả việc trồng rừng kinh tế
Bên cạnh hiệu quả như đã nêu, việc trồng rừng kinh tế Quảng Bình đang gặp những khó khăn, vướng mắc, đó là việc trồng rừng kinh tế còn mang nặng tính tự phát. Đến nay, tỉnh Quảng Bình cho biết cần có thống kê và đánh giá một cách cụ thể, có hệ thống về vấn đề trồng rừng, để từ đó có những giải pháp hợp lý để phát triển vốn rừng. Mặt khác, công tác quy hoạch đất đai cho việc trồng rừng làm chưa tốt, phần lớn các đơn vị địa phương không nắm được hiện trạng quỹ đất cho nên khi giao đất, tổ chức trồng rừng bị chồng chéo điển hình như vụ phá rừng ở Quảng Hợp (Quảng Trạch) trước đây cho thấy cơ quan quy hoạch đất trồng rừng thiếu kiểm tra thực tế dẫn đến 30 ha rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Tròn bị chặt để trồng bạch đàn.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, người dân sống gần rừng nhưng thiếu đất sản xuất cho nên dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm đất của doanh nghiệp, lâm trường để trồng rừng. Điển hình là các vụ tranh chấp đất giữa người dân một số xã thuộc huyện Quảng Trạch với Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhưng cũng có trường hợp được giao đất nhưng không tổ chức sản xuất dẫn đến lãng phí tài nguyên. Mới đây, vụ thu hồi đất của Lâm trường Kiến Giang (Lệ Thủy) giao cho địa phương nhưng không quản lý được cho nên đã xảy ra tình trạng người dân tranh giành nhau rất lộn xộn. Một số xã kiến nghị giao đất cho bà con dân tộc thiểu số để trồng rừng nhưng khi được giao đất, họ không có vốn và trình độ canh tác cho nên đã bán lại cho các “ông trùm” ở đồng bằng rồi để đất không!
Có thể nói, nghề trồng rừng ở Quảng Bình đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn đầy khó khăn do đầu ra thiếu ổn định và giá cả còn bấp bênh. Người trồng rừng trong tỉnh chủ yếu là khai thác bán cho các nhà máy sơ chế gỗ dăm trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Để bán gỗ cho các nhà máy, các yêu cầu được đưa ra với người trồng rừng, đó là phải bóc vỏ, đây là công việc khó khăn, mất nhiều thời gian, còn kích thước cũng được khống chế, riêng cành ngọn (bằng một phần ba khối lượng khai thác) hầu như phải bỏ để sử dụng vào việc đun nấu là chính. Mỗi năm, bốn doanh nghiệp chế biến gỗ dăm trên địa bàn tỉnh xuất khẩu hàng nghìn m3 gỗ dăm từ rừng trồng nhưng thực chất đó cũng chỉ là gỗ nguyên liệu, mới ở mức sơ chế. Việc làm này bước đầu giải quyết đầu ra cho rừng trồng nhưng chưa giải quyết hàng loạt vấn đề khác đang đặt ra trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài, để nâng cao hiệu quả nghề trồng rừng thì trước hết phải ưu tiên việc chế biến sâu nguyên liệu để xuất khẩu chứ không thể dừng lại ở mức độ xay ra làm gỗ dăm. Từ định hướng đó, tỉnh Quảng Bình đang kết nối để Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại liên doanh hợp tác với một doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ ở TP Hồ Chí Minh xây dựng Nhà máy chế biến gỗ cao cấp MDF tại tỉnh. Được biết, đối với nhà máy chế biến gỗ cao cấp MDF thì nguyên liệu không cần bóc vỏ, cành ngọn có kích cỡ nhỏ đều sử dụng được. Đây là một lợi thế cho người trồng rừng. Với công suất thiết kế khoảng 240 nghìn m3/năm thì đây sẽ là đầu ra lý tưởng cho rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện công ty đang làm các bước đầu tiên với đối tác, xây dựng đề án về thành lập doanh nghiệp liên doanh và dự kiến nhà máy được xây dựng vào cuối năm nay.
Cùng với việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nên và đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhằm chế biến sâu hơn sản phẩm từ rừng thì chắc chắn nghề trồng rừng ở Quảng Bình phát triển cao hơn, bền vững hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()