Hiệu quả từ trồng keo
(LSO) – Với nhiều ưu điểm như sinh trưởng, phát triển tốt ở mọi địa hình, sau một thời gian ngắn được thu hoạch, cải tạo đất, hiệu quả kinh tế cao…, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực trồng và phát triển cây keo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Ông Hứa Xuân Bằng, thôn Nhị Liên, xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Từ năm 1993, khi có dự án của Lâm trường 2, tôi bắt đầu trồng keo và bạch đàn. Sau khi thu hoạch, nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2000, gia đình tôi tích cực trồng rừng. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, tôi duy trì trồng 5 ha keo. Bình quân mỗi chu kỳ thu hoạch, gia đình tôi thu nhập 120 triệu đồng/ha.
Người dân xã Hồng Thái, huyện Bình Gia chăm sóc cây keo
Cũng giống như gia đình ông Bằng, gia đình ông Dương Văn Bộ, thôn Pò Sè, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cũng đang tập trung phát triển kinh tế từ trồng keo. Ông Bộ chia sẻ: Năm 2008, được xã tuyên truyền, vận động, tôi trồng 5 ha keo. Năm 2016, rừng cho khai thác thu nhập 350 triệu đồng, đời sống được cải thiện rõ rệt. Từ đó đến nay, tôi duy trì trồng và mở rộng diện tích lên 10 ha.
Theo tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, tổng diện tích cây keo trên địa bàn tỉnh là hơn 39.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Đình Lập, Tràng Định, Chi Lăng, Bình Gia, Bắc Sơn. Trong đó, chỉ tính từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm, người dân trồng mới từ 1.500 – 2.000 ha.
Tận dụng thế mạnh phát triển lâm nghiệp cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh các cây trồng thế mạnh như: thông, hồi, sở…, thời gian qua, cấp cấp, ngành chức năng của tỉnh định hướng người dân duy trì và phát triển cây keo. Bởi ngoài giá trị về kinh tế, cây keo còn có giá trị rất lớn về môi trường như: khả năng cải tạo và chống xói mòn đất, giúp cố định đạm và ni tơ, làm màu cho đất.
Tại Lạng Sơn, cây keo hiện chủ yếu được trồng từ hạt và giâm hom. Trong đó, phương pháp giâm hom được người dân ưu tiên nhiều hơn bởi cây trồng mọc nhanh, cành lá phát triển mạnh. Sau khi trồng từ 1 – 2 năm, rừng đã khép tán. Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện địa hình khác nhau…
Sau khi trồng từ 5 – 6 năm, cây keo cho khai thác với giá bán ổn định từ 700 – 800 nghìn đồng/m3. Đặc biệt, hiện nay với các rừng đến tuổi khai thác, thương lái sẽ trực tiếp đến thu mua. Với đầu ra ổn định, hiện nay nhiều hộ gia đình trồng keo có thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/năm; số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm ngày càng tăng.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển trồng rừng, trong đó có cây keo, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích trồng keo; duy trì diện tích trồng mới sau khai thác; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con để nâng cao năng suất, chất lượng cây. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn lồng ghép được gần 400 lớp cho 15.600 lượt người tham dự.
Cùng với đó, để làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị ở thôn, bản, tuyên truyền lưu động; phát tờ rơi, áp phích. Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, đã tổ chức được 87 cuộc tuyên truyền cho gần 5.000 lượt người tham gia, phát 2.516 tờ rơi, áp phích; 1.073 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bảo vệ rừng cho người dân…
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Cây keo được trồng trên địa bàn tỉnh từ năm 1999. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, nhận thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, người dân mới mở rộng diện tích keo. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, keo chủ yếu được người dân trồng theo phương pháp tự nhiên, ít chăm sóc nên chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, giá trị. Thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng; rà soát, quy hoạch xưởng chế biến, thay thế bằng các dây truyền hiện đại để gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp và thu nhập cho người dân theo hướng ổn định, bền vững, lâu dài.
NGUYỄN PHƯƠNG - KIM HUYÊN
Ý kiến ()