Hiệu quả từ thực hiện đồng bộ các giải pháp
LSO – Cách đây 3 năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chi Lăng là một trong những địa bàn huyện có nhiều xã dư nợ rất thấp, tỷ lệ nợ quá hạn cao, nhiều trường hợp nợ chây ỳ, khó đòi; đặc biệt là có hơn 190 triệu đồng nợ xâm tiêu. Nhưng từ năm 2012 đến nay, phòng giao dịch huyện đã có những chuyển biến rõ rệt trong công tác cho vay vốn cũng như công tác thu hồi nợ và giảm đáng kể tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Thanh, Phó Giám đốc phòng giao dịch huyện cho biết: tính đến nay, doanh số thu nợ đạt 29,3 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với 31/12/2012; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,6% xuống còn 0,45% so với đầu năm. Đáng kể, cả 21 xã, thị trấn hiện không còn đơn vị nào có nợ quá hạn đến 2%, trong khi trước năm 2012 huyện có 4 xã Bắc Thủy, Vân An, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ có nợ quá hạn 2% và nhiều xã có nguy cơ nợ quá hạn tăng. Cùng với nợ quá hạn giảm, tổng dư nợ toàn huyện đạt 171,9 tỷ đồng, tăng 15,7 tỷ đồng so với cuối năm 2012, trong đó nhiều xã có dư nợ tăng trưởng gấp nhiều lần như Chiến Thắng, Hòa Bình, Y Tịch… Điển hình có xã vùng III Hữu Kiên tăng trưởng dư nợ xấp xỉ 10 lần so với năm 2010. Trong 3 năm qua, huyện không phát sinh nợ đọng, nợ chiếm dụng, các chương trình cho vay đúng mục đích và vốn được sử dụng có hiệu quả. Đặc biệt, xử lý nợ xâm tiêu từ năm 2012 đến nay được 129,5 triệu đồng. Không riêng ở huyện Chi Lăng, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã giảm dần tỷ lệ nợ quá hạn, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn như Cao Lộc, Văn Quan, Bắc Sơn… Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: nếu những năm trước, nhiều địa phương còn có tình trạng cho vay sai đối tượng, vay ké phải thu hồi vốn, thì từ năm 2010 trở lại đây, toàn chi nhánh không còn trường hợp nào cho vay sai đối tượng, không có vốn sử dụng sai mục đích phải thu hồi, không phát sinh vay ké, chiếm dụng, xâm tiêu vốn…, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, doanh số thu nợ đạt 285 tỷ đồng, nợ quá hạn có xu hướng giảm, từ 13,35 tỷ đồng (trong quý I/2013) xuống còn 12,7 tỷ đồng, nợ xâm tiêu toàn chi nhánh giảm chỉ còn 249 triệu đồng, giảm 160 triệu đồng so với năm 2011. Để đạt được kết quả trên, hàng năm thông qua các tổ chức hội và các tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm, trong đó tập trung tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền cụ thể về từng chương trình vốn. Công tác tuyên truyền còn được tăng cường thực hiện trực tiếp thông qua các buổi giao dịch, niêm yết các thông tin tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Cùng với công tác tuyên truyền, năm 2013, Ngân hàng Chính sách tập trung rà soát, phân loại để kiện toàn lại các tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định mới của Ngân hàng Chính Sách Xã hội Việt Nam. Biện pháp kiện toàn tổ là sáp nhập đối với những tổ hoạt động trung bình, yếu; thay đổi tổ trưởng đối với những tổ có ban quản lý tổ kém năng lực, thiếu trách nhiệm và tiến hành tập huấn, nâng cao năng lực quản lý vốn cho các tổ. Đến nay, các phòng giao dịch đã kiện toàn được 2.393/2.786 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngân hàng CSXH huyện Cao Lộc giao dịch tại xã Gia Cát
Mặt khác, trước tình hình nợ quá hạn có nguy cơ tăng, nhiệm vụ đặt ra là phải xử lý có hiệu quả đối với các khoản nợ khó đòi, nợ chây ỳ, nợ xâm tiêu và mục tiêu hạn chế phát sinh nợ quá hạn, chi nhánh đã chỉ đạo các huyện phối hợp thành lập tổ thu hồi nợ ở 100% xã, thị trấn và xây dựng đề án, phương án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng ở các xã có nợ quá hạn từ 1% trở lên. Theo ông Trần Việt Sơn, trong những tháng cuối năm 2013, chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch tăng cường công tác phối hợp, vận động, đôn đốc thu hồi nợ, nhất là đối với các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn và hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn
Bài, ảnh: Lâm Như
Ý kiến ()