Hiệu quả từ sự đồng thuận
LSO – Trong cuộc làm việc tại Lạng Sơn, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và hiện là cố vấn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương đưa ra vài câu chuyện có thực xảy ra ở một số địa phương trong cả nước. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân ở một địa phương nọ đã xây dựng được nhà văn hóa thôn rất khang trang, phù hợp với phong tục, tập quán, kiến trúc của địa phương. Tuy nhiên sau đó công trình không thể thanh toán được phần vốn hỗ trợ của nhà nước. Nguyên nhân hỏi ra là do sau khi kiểm tra thì nhà văn hóa này không tuân theo mẫu định sẵn của tỉnh đó. Một ví dụ nữa ở một địa phương nghèo, để đạt theo tiêu chí, địa phương đó đã dốc sức san đồi, tạo mặt bằng rộng tới hơn 5.000m2 để xây dựng nhà văn hóa cho một thôn chỉ có vài chục hộ dân.
Ban chỉ đạo Xây dựng Nông thôn mới Trung ương và Ban chỉ đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại nhà văn hoá thôn Ngã Tư, xã Tô Hiệu (Bình Gia)
Những ví dụ đó cho thấy thực tế là nhiều nơi đã và đang cứng nhắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới với những khuôn mẫu, gò ép. Thực chất chỉ cố gắng để có được công trình chứ chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả và sự hài lòng, đồng thuận của người dân đối với công trình ấy. Và như vậy nông thôn mới chưa đạt được mục đích, hiệu quả như mong muốn. Không chỉ vậy còn làm lãng phí nguồn lực của nhà nước, của nhân dân. Đối với tỉnh Lạng Sơn, ngay từ khi bắt tay vào triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xác định một trong những nội dung trọng yếu nhất là phải phát huy được vai trò của chủ thể, coi đây là nhân tố quyết định nông thôn mới. Từ khâu lập quy hoạch chung, Ban chỉ đạo tỉnh đã quán triệt các địa phương phải dựa vào điều kiện thực tiễn, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, không được phó mặc hoàn toàn cho các đơn vị tư vấn. Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các xã đều thực hiện khá tốt nội dung này. Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: trong mọi công việc liên quan đến nông thôn mới, xã đều tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, chẳng hạn như hỗ trợ sản xuât. Trong năm 2011, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được nhận nguồn lực phân bổ 200 triệu đồng cho phát triển sản xuất. Số tiền không nhiều, nên Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã phải cân nhắc rất thận trọng, tổ chức họp quân, dân, chính, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của người dân từ đó đưa ra các phương án được coi là khả thi và hiệu quả nhất và quyết định sẽ hỗ trợ lợn nái để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Kết quả là cho đến nay, không những hướng đi này góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế hộ, mà còn duy trì được nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để tiếp tục nhân rộng ra các hộ khác. Mới cách đây 1 tháng, nhà văn hóa thôn Ngã Tư, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia đã được khánh thành. Ngôi nhà sàn to, đẹp, trên mặt bằng rộng hơn 600 m2 được định giá lên đến vài trăm triệu đồng, hầu hết đều do nhân dân đóng góp. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: mọi việc, từ bàn bạc, thiết kế, xây dựng đều thống nhất từ nhân dân trong thôn. Sự công khai, minh bạch và phù hợp đã tạo được sự đồng thuận rất lớn từ trong dân. Chỉ với số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng của tỉnh, nhưng mỗi hộ dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp hơn 2 triệu đồng, thôn Ngã Tư đã có nhà văn hóa phù hợp với bản sắc văn hóa và cả sân chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ chung cho toàn thôn.
Có thể nhận thấy, từ khi triển khai đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân. Bởi thực chất trong quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương đã phát huy được vai trò của chủ thể, lắng nghe người dân và trao quyền tự quyết cho người dân. Từ đó những công trình, những dự án đã phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. Nông thôn mới đã thực sự đi vào lòng dân, bám sát theo bộ tiêu chí Quốc gia, theo định hướng của tỉnh nhưng không hề gò ép, cứng nhắc theo khuôn mẫu nhất định.

Ý kiến ()