Hiệu quả từ sáng kiến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học
– Năm học 2021 – 2022, cô Dương Thị Liên, Giáo viên Trường Tiểu học xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng đã có sáng kiến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học. Các biện pháp mà cô đưa ra đã góp phần bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết cho học sinh trong học tập cũng như trong đời sống.
Học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng tìm hiểu kiến thức tại thư viện trường
Cô Dương Thị Liên, Giáo viên Trường Tiểu học xã Hoàng Việt cho biết: Trong năm học 2021 – 2022, tôi được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4A với 28 học sinh. Sau khi nhận lớp, tôi thấy các em có nhiều hạn chế về kỹ năng. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi trăn trở làm thế nào để nâng cao kỹ năng trong mọi hoạt động giúp cho nền nếp lớp, phong trào học tập đi lên. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và triển khai đề tài “Biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lớp 4A ở Trường Tiểu học xã Hoàng Việt”.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống được triển khai thông qua công tác chủ nhiệm lớp; tích hợp các môn học; hoạt động vui chơi ngoài giờ lên lớp và sinh hoạt đội; giao tiếp khi ở nhà… Là giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp, ngay từ đầu năm học, cô Dương Thị Liên đã chủ động tiếp xúc với từng thành viên trong lớp để hiểu tính cách của từng học sinh cũng như biết được các em đang thiếu những kỹ năng nào để chú trọng bồi dưỡng. Vị trí cán bộ lớp như hội đồng tự quản, nhóm trưởng, nhóm phó được thay đổi theo từng tháng để học sinh trải nghiệm; những phong trào thi đua trong lớp về nền nếp, học tập, góc học tập… được phát động nhằm tạo sự thi đua, hứng thú cho học sinh.
Để học sinh có thể vừa tiếp thu được nhiều kiến thức vừa rèn luyện được những kỹ năng bổ ích, giáo viên chia học sinh thành các tổ và dành nhiều thời gian để các em thảo luận, trao đổi trang bị kiến thức, kỹ năng về giao tiếp; làm việc tập thể; vệ sinh cá nhân; xây dựng thời khóa biểu cân bằng giữa học tập, sinh hoạt và vui chơi… Cụ thể như bài học trao đổi ý kiến với người thân trong môn Tiếng Việt lớp 4, giáo viên sẽ chia lớp thành các nhóm và đặt tình huống cụ thể cho từng nhóm. Học sinh sẽ đóng vai các thành viên trong từng tình huống. Ví dụ trong tình huống 1 học sinh muốn xin bố mẹ học môn năng khiếu thì những học sinh còn lại được phân vai là bố mẹ, anh chị em, bạn học. Học sinh sẽ trình bày mong muốn với cha mẹ, trường hợp cha mẹ không đồng ý thì thuyết phục ra sao, nhờ sự hỗ trợ từ anh chị em, bạn bè, cô giáo…
Em Nông Bảo Anh, học sinh lớp 4A (năm học 2021 – 2022), Trường Tiểu học xã Hoàng Việt cho biết: Em rất thích những tiết học mà chúng em được đóng vai, được điều hành nhóm, được trao đổi, chia sẻ kiến thức, qua đó em học hỏi được nhiều điều, nhất là kỹ năng ứng xử trong các tình huống hằng ngày.
Qua nghiên cứu cho thấy, phần lớn học sinh thường mắc lỗi ngoài giờ học ở lớp, vì vậy, giáo viên chú ý xem các em chơi gì, trao đổi với nhau ra sao để kịp thời nhắc nhở khi học sinh ứng xử chưa phù hợp, đồng thời hướng học sinh tham gia những trò chơi lành mạnh như: Nhảy dây, đá cầu, kéo co, ô ăn quan, bóng đá, bóng rổ… Khuyến khích học sinh mạnh dạn khi tham gia sinh hoạt đội, ngoại khóa để học sinh có sự giao tiếp đa dạng, từ đó có sự chọn lọc, đưa ra cách ứng xử phù hợp trong tình huống, môi trường cụ thể. Cùng đó, học sinh được khuyến khích thường xuyên đến thư viện, trang trí lớp học, tham gia chăm sóc vườn rau, vườn hoa cây cảnh…
Cùng đó, giáo viên chủ nhiệm phối hợp, trao đổi thường xuyên với phụ huynh học sinh để mỗi thành viên trong gia đình đồng hành với học sinh từ những hành động nhỏ; thường xuyên lắng nghe, khuyến khích các em nói lên quan điểm của mình; hướng dẫn, nhắc nhở kịp thời trong từng tình huống để các em có cách ứng xử phù hợp…
Sau gần 1 năm học triển khai các giải pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, kết quả cho thấy, trong 28 học sinh của lớp 4A, 100% học sinh có thể tự vệ sinh cá nhân, tăng 17,9% so với đầu năm học; 92,6% chủ động học bài ở nhà, tăng 27,9%; 85,7% biết lắng nghe, hợp tác khi thảo luận nhóm, tăng 24,91%; 98,3% biết cách ứng xử hài hòa, phù hợp khi tham gia hoạt động tập thể, tăng 20,4%; 85,7% học sinh mạnh dạn, tự tin, tăng hơn 10%. Các em đã chủ động vệ sinh lớp học; nền nếp tự quản của học sinh được nâng lên; phần lớn học sinh tích cực phát biểu xây dựng bài, mạnh dạn trao đổi với cô khi có điều chưa hiểu. Năm học 2021 – 2022, lớp 4A được Liên đội, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên đánh giá cao về nền nếp.
Cô Chu Kim Hoa, Giáo viên Trường Tiểu học xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng cho biết: Năm học 2022 – 2023, tôi chủ nhiệm lớp 5. Ở lứa tuổi này, các em có rất nhiều biến đổi về tâm sinh lý, nhờ áp dụng các biện pháp của cô Liên mà tôi đã có những giải pháp tích cực để hiểu các em hơn, từ đó giáo dục kỹ năng sống cho các em hiệu quả hơn. Sự thay đổi rõ nhất là tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề, học sinh sôi nổi, chủ động tìm hiểu, thảo luận và đưa ra nhiều bài học bổ ích về phòng, chống bạo lực học đường, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… thay vì chỉ đưa ra nhận xét thông thường như trước.
Cuối tháng 11/2022, sáng kiến “Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 4A ở Trường Tiểu học xã Hoàng Việt” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Sau đó, các biện pháp giáo dục kỹ năng sống của cô Liên được nhân rộng ra toàn trường và được chia sẻ tại một số trường trên địa bàn huyện.
Ý kiến ()