Hiệu quả từ nuôi chim bồ câu
LSO- Với kinh nghiệm gần 15 năm nuôi chim bồ câu, bà Hoàng Thị Ngoan ở thôn An Rinh 2, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc đã và đang thành công trong mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm.
Bà Hoàng Thị Ngoan đang kiểm tra chuồng trại cho đàn bồ câu
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi ở xã Tân Liên phát triển khá mạnh, đa dạng về cả mô hình và vật nuôi. Trong số đó phải kể đến mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm của bà Hoàng Thị Ngoan.
Bà Ngoan tâm sự: Trước đây đất đai xung quanh nhà hạn chế, quanh năm chỉ sống dựa vào trồng rau và nuôi vài con lợn. Tình cờ được một người bạn giới thiệu về những hiệu quả từ nuôi chim bồ câu, gia đình bà đã nảy ra ý tưởng nuôi loài chim này. Nhưng do chưa được tận mắt chứng kiến nên bà vẫn còn đắn đo chưa dám thực hiện.
Năm 2005, bà Ngoan quyết định mua 10 cặp bồ câu giống về nuôi thử. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế, chuồng trại sơ sài nên có một số con bị mắc bệnh thương hàn, chậm phát triển. Thấy vậy, hai vợ chồng bà Ngoan sử dụng những tấm ván gỗ bạch đàn, thông để thiết kế thành từng tổ có mái che, mỗi tổ được chia thành các ngăn khoảng 50 cm2 cho một cặp bồ câu bố mẹ. Gia đình bà còn tận dụng chuồng gà, chuồng lợn cũ để làm nơi nuôi bồ câu. Đến nay, đàn bồ câu của gia đình bà Ngoan có hơn 100 đôi, bao gồm cả bồ câu thương phẩm và bồ câu giống.
Bà Ngoan cho biết: Bồ câu là loài dễ nuôi, không kén thức ăn, sức đề kháng cao và rất ít khi bị mắc bệnh. Bà thường sử dụng gạo hoặc ngô trộn với một ít cám rồi cho bồ câu ăn, vừa đảm bảo quá trình phát triển của chim, vừa giúp chất lượng thịt của chim được săn chắc. Một ngày chim bồ câu chỉ cần cho ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, chi phí cho 1 con thấp, chỉ khoảng 1.000 đồng/ngày/con.
Hiện nay, với hơn 100 đôi bố mẹ, trung bình mỗi tháng, đàn bồ câu của gia đình bà Ngoan sinh sản thêm 70 đôi bồ câu con, do mùa hè, trứng bồ câu dễ bị hỏng hơn các mùa khác nên tỷ lệ nở sẽ thấp hơn. Đặc biệt, bồ câu là loài phát triển rất nhanh, từ khi nở đến khi bán thương phẩm chỉ khoảng 30 ngày, mỗi con sẽ đạt khoảng 5 – 7 lạng, vì vậy, hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Trung bình mỗi tháng, bà Ngoan bán ra thị trường khoảng 70 cặp bồ câu thương phẩm, với giá 150.000 đồng đến 180.000 đồng/cặp, mỗi năm, gia đình bà thu nhập hơn 100 triệu đồng từ bán bồ câu. Bên cạnh đó, giờ đây, gia đình bà Ngoan không còn lo về đầu ra do chim bồ câu thương phẩm của gia đình bà đều được một số nhà hàng ở thành phố Lạng Sơn mua trực tiếp với giá ổn định. Thời gian tới, bà Ngoan dự định sẽ phát triển đàn bồ câu lên 200 – 300 cặp, không chỉ nuôi bồ câu thương phẩm mà còn phát triển cả con giống.
Không chỉ giỏi về chăn nuôi, gia đình bà Ngoan còn tìm tòi thêm về phát triển cây ăn quả. Từ 5 cây nhãn lồng Hưng Yên trồng thử nghiệm năm 2014 và đã cho thu hoạch, năm vừa qua, gia đình bà Ngoan quyết định trồng thêm 100 cây nhãn lồng Hưng Yên cùng 20 cây bưởi, bước đầu vườn cây ăn quả phát triển tốt.
Bà Đinh Mai Uyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên cho biết: Bà Hoàng Thị Ngoan là một người chăm chỉ, nhạy bén và rất giàu kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Bà là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của xã.
Với nỗ lực không ngừng và kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế gia đình, từ năm 2017 đến nay, bà Hoàng Thị Ngoan đã được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND xã vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất.
GIA KHÁNH
Ý kiến ()