Hiệu quả từ những mô hình giúp xã nghèo ở Thừa Thiên - Huế
Thừa Thiên - Huế hiện vẫn còn 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 25%, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Nguyên nhân, do tập quán lạc hậu, thiếu vốn, không biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi. Hỗ trợ, giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là một trong những chương trình trọng điểm về an sinh xã hội của tỉnh, đã và đang tiếp sức cho người nghèo, giúp họ vượt khó, thoát nghèo bền vững.Những mô hình thoát nghèoKhông đầu tư, hỗ trợ dàn trải, chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm an sinh xã hội đã và đang triển khai có hiệu quả ở 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm qua. Đó là các xã: Hồng Tiến (huyện Hương Trà); Thượng Long (Nam Đồng); Hồng Thủy (A Lưới),... Từ chương trình này, tại Thừa Thiên - Huế đã xây dựng hàng chục mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều làng nghề chế biến...
Thừa Thiên – Huế hiện vẫn còn 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 25%, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Nguyên nhân, do tập quán lạc hậu, thiếu vốn, không biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi. Hỗ trợ, giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là một trong những chương trình trọng điểm về an sinh xã hội của tỉnh, đã và đang tiếp sức cho người nghèo, giúp họ vượt khó, thoát nghèo bền vững.
Những mô hình thoát nghèo
Không đầu tư, hỗ trợ dàn trải, chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm an sinh xã hội đã và đang triển khai có hiệu quả ở 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở tỉnh Thừa Thiên – Huế trong những năm qua. Đó là các xã: Hồng Tiến (huyện Hương Trà); Thượng Long (Nam Đồng); Hồng Thủy (A Lưới),… Từ chương trình này, tại Thừa Thiên – Huế đã xây dựng hàng chục mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều làng nghề chế biến nông, lâm, hải sản ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đầm phá… Những vùng đồi hoang hóa đã được phủ xanh nhờ chuyên canh, hơn 6.000 ha cây cao-su, 700 ha cà-phê, 10 nghìn ha rừng nguyên liệu, 50 nghìn ha lúa, hàng chục nghìn ha rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và 4.000 ha nuôi trồng thủy sản đã phát huy hiệu quả kinh tế tại các địa phương trong tỉnh. Từ đó, không ít hộ nghèo đã vươn lên làm giàu, lãi ròng từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm.
Tại huyện miền núi A Lưới, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Chương trình trồng cây cao-su, cà-phê, chuối đã tạo ra nguồn thu nhập cao, được người dân gọi là cây xóa nghèo. Ngày chúng tôi đến Hồng Thủy, trong xã tấp nập xe ô-tô vào tận bản để mua chuối. Mầu xanh của cây chuối bạt ngàn trên các vườn đồi, vườn nhà, khi trong xã có hơn 90% số hộ chuyển từ trồng các loại cây dứa, quế, tràm sang trồng cây chuối ba lùn. Bởi lẽ, cây chuối thích hợp với khi hậu, thổ nhưỡng ở A Lưới, ít dịch bệnh lại có giá trị kinh tế cao. Anh Hồ Văn Mạnh, ở xã Hồng Thủy cho biết: “Gia đình tôi trồng được năm ha chuối ba lùn, vợ chồng tôi, chăm sóc tốt nên chỉ tính riêng một ha chuối đã thu hoạch với mức thu nhập khoảng hơn 70 triệu đồng/năm”. Những năm gần đây, đồng bào các dân tộc nơi đây được Nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, phân bón nhưng một số người có tư tưởng ỷ lại, hơn nữa do thói quen chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu, nên làm ăn thất bát. Thế nên, Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện A Lưới đã hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn cách chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp (thuộc Trường đại học Nông lâm Huế) trực tiếp hỗ trợ và đã đầu tư thực hiện mô hình trình diễn một ha chuối ở một nhà dân để bà con học tập. Một cán bộ khuyến nông của huyện cho hay, để vận động bà con tham gia chương trình này hiệu quả thì trước tiên là phải khuyến khích, động viên các già làng, trưởng bản, các trưởng họ phát triển kinh tế trang trại, giúp đỡ các hộ nghèo trong cộng đồng khu dân cư, trong họ tộc biết cách tự tổ chức sản xuất, có công ăn, việc làm ổn định.
Tại huyện miền núi Nam Đông, phần lớn hộ nghèo tập trung ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, do thiếu vốn sản xuất, đất canh tác, thiếu lao động, nhất là thiếu cách làm ăn hiệu quả. Trên địa bàn toàn huyện hiện có hơn 5.100 hộ, trong đó chiếm gần 45% dân số là các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Vân Kiều… Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc đã biết cách làm giàu, ổn định cuộc sống và sớm thoát nghèo nhờ mô hình trồng cây cao-su. Chị Lê Thị Nga, ở xã Thượng Quảng (Nam Đông) trước đây là hộ nghèo của xã. Từ năm 2005, chị được vay vốn, khai hoang đất đồi núi để trồng năm ha cây cao-su. Nhờ cần cù và chăm chỉ, gia đình chị Nga đã được trả công xứng đáng. Số tiền thu lãi từ bán mủ cao-su bình quân đạt bảy, tám triệu đồng/tháng, nên chị đã xây nhà, mua xe máy, các con đều được đi học.
Ở xã Thượng Quảng hôm nay, nhà nhà trồng cây cao-su, bình quân mỗi hộ trồng được từ ba đến năm ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Kính cho biết: “Phong trào trồng cây cao-su để xóa đói giảm nghèo là chủ trương của huyện. Xã đã giúp đỡ mỗi hộ trồng ít nhất một ha. Hội Nông dân xã đã đến từng chi hội, tổ hội vận động những hộ có nhiều đất giúp những hộ không có đất trồng cao-su để phát triển kinh tế đồng đều, nên hội viên đều hưởng ứng”. Đến nay, toàn huyện đã trồng được gần 4.000 ha cây cao-su, trong đó diện tích có chất lượng tốt đạt hơn 73%. Cây cao-su đã trở thành cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo của bà con. Theo ước tính, mỗi ha thu về khoảng từ 45 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm. Với diện tích đã trồng như hiện nay, hộ ít nhất cũng được 0,5 ha, hộ trồng nhiều lên đến năm, bảy ha. nên nhiều hộ thu hoạch hằng năm đạt hàng trăm triệu đồng. Từ một huyện nghèo của tỉnh, giờ đây lương thực bình quân đầu người ở Nam Đông đạt mức 250 kg/năm, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ thiết thực và lâu dài
Chương trình giảm nghèo, chủ yếu tại các xã nghèo của tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã tập trung hỗ trợ về vốn, đất sản xuất và kỹ thuật để xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả. Những năm qua, tỉnh đã giải ngân gần 110 nghìn tỷ đồng giúp gần 119 nghìn hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh; khai hoang 154 ha đất để giải quyết cho 835 hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với số vốn đầu tư 771 triệu đồng. Dự án nông – lâm – ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng giúp gần 1.400 lượt hộ, ở 35 xã nghèo tại sáu huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và Hương Thủy. Từ đó, hàng chục mô hình sản xuất, chăn nuôi đã được hình thành ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, như trồng hoa cúc, trồng lúa chất lượng cao HT1, trồng lạc L14, chăn nuôi lợn nái, lợn nái F1, phát triển đàn bò cái laisind… Ngoài ra, chính sách trợ giá giống cây nông nghiệp, trợ cước vận chuyển dầu hỏa, phân bón, muối i-ốt và tiêu thụ sản phẩm đã triển khai đến hai huyện Nam Đông, A Lưới và các huyện có xã miền núi, với tổng kinh phí 11,45 tỷ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, Nên ý thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, người nghèo đã thay đổi tích cực. Bản thân những hộ nghèo, người nghèo, tự tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, vượt qua nghèo khó. Đây chính là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên – Huế, tuy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể nhưng tính bền vững chưa cao, một bộ phận dân cư có nguy cơ tái nghèo nếu bị thiên tai, mất mùa, việc làm không ổn định. Đặc biệt, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn, thu nhập và mức sống sát chuẩn nghèo sẽ là những khó khăn cho các năm tiếp theo; chênh lệch hộ nghèo giữa các vùng thành thị, nông thôn và dân tộc thiểu số tương đối cao. Mô hình sản xuất của các chương trình, dự án bằng hỗ trợ cây, con giống đã triển khai hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Các chính sách giảm nghèo và nguồn lực đầu tư cho chương trình đều được thực hiện ở cấp xã, nhưng một số nơi chưa bố trí cán bộ chuyên trách, nên đã ít nhiều hạn chế việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn phân tán, dàn trải, chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, những địa bàn trọng điểm nhất.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Kiếm cho biết: Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó, chú ý nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình này là 55.557 triệu đồng. Chương trình được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ xã hội… Với sự đầu tư và nỗ lực của các cấp, các ngành đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2% so với năm 2010, xuống còn 9,16%.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Ngô Hòa, thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh phấn đấu, trên tất cả các lĩnh vực để quyết tâm đưa Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2014. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển đầm phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo. Đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo, thay đổi nhận thức của người nghèo thông qua tập huấn nâng cao nhận thức, các buổi tư vấn cộng đồng về ý thức tự tạo việc làm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; từng bước giúp người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo; hỗ trợ giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý…
Theo Nhandan
Ý kiến ()