Việc đưa những chương trình, dự án đến với bà con các dân tộc thiểu số, giúp họ nắm bắt phương thức làm ăn mới, hướng dẫn họ biết áp dụng KHKT vào sản xuất và chăn nuôi, qua đó vươn lên thoát khỏi đói nghèo là một chủ trương đúng. Nhưng không nhất thiết phải là những dự án hàng tỷ đồng mà có thể chỉ là những dự án nhỏ nhưng phù hợp với bà con.Để bà con các dân tộc thiểu số nắm bắt kiến thức KHKT, áp dụng vào thực tế sản xuất và chăn nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa, rất cần đưa những dự án nhỏ, vừa tầm nhận thức của bà con.Chúng tôi xin lấy thí dụ về một vài dự án nhỏ, số kinh phí không lớn chỉ 100 - 200 triệu đồng, tiến hành trong một thời gian ngắn, trong vòng ba tháng, nhưng đem lại hiệu quả lớn. Đó là Dự án mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An triển khai tại xã Châu Khê ở huyện Con Cuông từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2010. Để tiến...
Việc đưa những chương trình, dự án đến với bà con các dân tộc thiểu số, giúp họ nắm bắt phương thức làm ăn mới, hướng dẫn họ biết áp dụng KHKT vào sản xuất và chăn nuôi, qua đó vươn lên thoát khỏi đói nghèo là một chủ trương đúng. Nhưng không nhất thiết phải là những dự án hàng tỷ đồng mà có thể chỉ là những dự án nhỏ nhưng phù hợp với bà con.
Để bà con các dân tộc thiểu số nắm bắt kiến thức KHKT, áp dụng vào thực tế sản xuất và chăn nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa, rất cần đưa những dự án nhỏ, vừa tầm nhận thức của bà con.
Chúng tôi xin lấy thí dụ về một vài dự án nhỏ, số kinh phí không lớn chỉ 100 – 200 triệu đồng, tiến hành trong một thời gian ngắn, trong vòng ba tháng, nhưng đem lại hiệu quả lớn. Đó là Dự án mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An triển khai tại xã Châu Khê ở huyện Con Cuông từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2010. Để tiến hành dự án, Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu xã Châu Khê tiến hành khảo sát 50 hộ gia đình dân tộc Đan Lai ở hai bản Châu Sơn và Châu Định có hoàn cảnh khó khăn, bò gầy, bò ốm để thử nghiệm. Tộc người Đan Lai là tộc người vốn sống trong các ngọn khe, suối, có tập quán sản xuất lạc hậu so các dân tộc thiểu số khác. Tham gia dự án, các hộ gia đình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách vỗ béo, cách phòng bệnh cho bò, được hỗ trợ 270 kg thức ăn tinh và thuốc tẩy giun, sán, trong vòng ba tháng, với tổng trị giá hơn 143 triệu đồng. Sau ba tháng thử nghiệm, mô hình đã phát huy hiệu quả, mỗi con bò tăng trọng hơn 64 kg. Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo đã giúp cho các hộ gia đình dân tộc Đan Lai biết tiếp thu, áp dụng KHKT vào sản xuất; nâng cao kỹ năng nuôi bò; đồng thời tạo công ăn việc làm, giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình.
Một dự án khác là dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xã Môn Sơn do Hội Phụ nữ huyện đứng ra tổ chức với số vốn không lớn, mỗi hộ được cấp một con lợn giống trị giá khoảng 1,5 đến hai triệu đồng và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản. Chỉ sau sáu tháng, bà con đã có một lứa lợn con, phục vụ cung ứng giống cho gia đình phát triển nhanh đàn lợn, tạo nguồn hàng hóa thực phẩm cho cả vùng, nâng cao được đời sống của gia đình hội viên. Vừa qua, MTTQ huyện Con Cuông phối hợp Đồn Biên phòng 553 đầu tư cho năm hộ Đan Lai tại bản Khe Bu, mỗi hộ năm triệu đồng nuôi lợn thịt. Nhờ có sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và Mặt trận thường xuyên giám sát, nên cả năm hộ đều chăn nuôi phát triển, phát huy đồng vốn, nâng cao thu nhập cho gia đình
Cả ba dự án trên thực hiện tại hai xã biên giới, dân trí thấp, chưa quen với cung cách làm ăn mới, nhưng nhờ sự tận tình giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật và quan trọng là sát với trình độ nhận thức, phù hợp khả năng của bà con, nên đem lại hiệu quả lớn.
Một dự án đầu tư nhỏ khác cũng do MTTQ huyện chủ trì lấy từ Quỹ vì người nghèo của huyện đầu tư cho năm hộ ở xã Chi Khê mượn mỗi hộ năm triệu đồng không phải trả lãi để mua trâu, bò. Đến nay, cả năm hộ có trâu, bò cày kéo, sinh sản; từ một con ban đầu nay có hộ có đàn bò 10 con. Số vốn đó lại được chuyển cho hộ khác vay, tiếp tục làm ăn có hiệu quả.
Việc làm thay đổi dần tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số, cần có thời gian làm chuyển biến nhận thức. Trong hoàn cảnh đó, những dự án nhỏ, hiệu quả lớn nêu trên rất cần được phổ biến và nhân rộng, để góp phần đưa bà con các dân tộc thiểu số thoát khỏi đói nghèo, vươn lên hòa nhập cùng xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()