Hiệu quả từ những chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Học sinh Trường phổ thông DTNT THCS Cao Lộc, huyện Cao Lộc đọc sách ở thư viện nhà trường |
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới nghèo nhưng ngân sách dành cho giáo dục vẫn được ưu tiên hàng đầu. Từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2017 – 2018, thực hiện chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS, một loạt chính sách liên quan đã được tỉnh ban hành, triển khai thực hiện như: Đề án đầu tư xây dựng nhà bếp cho trường mầm non được phê duyệt tại Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 25/11/2016; đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia cho trường học thuộc các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020; quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 15/4/2017 về việc ban hành quy định đối tượng và điểm cộng ưu tiên, khuyến khích trong tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; nghị quyết của HĐND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025.
Riêng ngành GD&ĐT tỉnh có những chủ trương lớn như: cử hàng trăm lượt cán bộ quản lý, giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề do Bộ, Sở GD&ĐT tổ chức; luân chuyển, điều động, biệt phái giáo viên khá, giỏi giúp đỡ giáo viên và học sinh vùng khó; hằng năm tổ chức bồi dưỡng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác giáo dục dân tộc cho hàng nghìn lượt giáo viên cốt cán… Kết quả, trên 95% cán bộ, giáo viên nắm vững nội dung tập huấn để áp dụng vào quản lý, giảng dạy.
Nhớ lại thời điểm trước năm 2010, khi học sinh còn dựa lưng ê a trong lớp ghép; có những ngày chỉ có cô giáo với bảng – phấn, còn học sinh thì nghỉ học với “đầy” lý do như ở nhà trông em, đường đi học xa… Mô hình bán trú mở ra, từng bước giải quyết những vấn đề cụ thể của giáo dục dân tộc. Ví như thay vì phải sinh hoạt trong điều kiện vô cùng thiếu thốn của ngôi nhà cũ kỹ, trống hoác thì nay học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thiện Long, huyện Bình Gia đã có 4 phòng học tiêu chuẩn khép kín, chăn đệm gọn gàng; bếp ăn tập thể sạch sẽ… Ông Liễu Minh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: Toàn huyện có trên 30 trường phổ thông dân tộc bán trú với khoảng 4.500 học sinh. Nhờ sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, nguồn xã hội hóa để thực hiện mô hình bán trú, tình trạng phòng tạm, lớp mượn đã giảm đáng kể. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa xong các lớp học tạm.
Theo bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thời gian qua, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đã có nhiều thay đổi cơ bản về số trường, lớp học, chất lượng chăm sóc, giáo dục, chất lượng giảng dạy, hệ thống trường lớp đạt chuẩn; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư; từng bước hoàn thành việc xóa bỏ phòng học tạm, thúc đẩy công tác kiên cố hóa trường lớp… đáp ứng yêu cầu dạy và học ở nhà trường.
Từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2017 – 2018, có trên 98.500 trẻ mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa; trên 17.460 học sinh được hỗ trợ tiền ăn, ở và gạo; tăng gần 160 trường chuẩn quốc gia và trường PTDT bán trú các cấp; số phòng học tạm, học nhờ của cả 3 cấp giảm trên 270 phòng; trên 700 phòng học được kiên cố, bán kiên cố… Qua đó, tỷ lệ học sinh DTTS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt năm học 2016 – 2017 tăng trên 10% so với năm 2010 – 2011; học lực khá, giỏi tăng trên 11%; kết quả học sinh DTTS tốt nghiệp tăng từ 86,5% (năm 2010) lên 87,1% (năm 2017)…
Với hiệu quả đó, thời gian tới, ngành GD&ĐT cần tiếp tục rà soát chính sách phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS để tham mưu cho tỉnh đề xuất với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS giai đoạn mới cho phù hợp. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục DTTS. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS, miền núi.
Ý kiến ()