Hiệu quả từ Nghị quyết số 33-NQ/TW
LSO- Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33- NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong hơn 2 năm qua, tỉnh ta luôn xác định việc thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW có ý nghĩa to lớn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bảo tàng tỉnh trưng bày các hình ảnh tư liệu, hiện vật về lịch sử thu hút đông đảo khách tham quan
Để thực hiện hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt và ban hành Chương trình hành động số 116 để thực hiện Nghị quyết. Theo đó, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 439 lớp cho 50.668 cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Đồng thời xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế ở các cấp, ngành. Qua học tập Nghị quyết, đa số đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn đảng bộ
Kết quả bước đầu đạt được phải kể đến trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW chính là việc các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã chú trọng nhiệm vụ xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân – thiện- mỹ; xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết số 71- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh ta thường xuyên quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư và mỗi gia đình thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành nhân cách con người. Năm 2015, toàn tỉnh có 130.562/187.034 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 69,8%; 1.045 thôn, khối phố văn hóa và 1.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.
Với đặc thù là tỉnh có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng, do đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, kết luận, quyết định liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Giải pháp tập trung phê duyệt các chương trình, dự án trùng tu, tôn tạo các di tích, dự án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các loại hình văn hóa phi vật thể, tổ chức các hoạt động truyền dạy hát dân ca, duy trì tổ chức các lễ hội xuân hằng năm và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong mọi tầng lớp nhân dân.
Một trong những nội dung quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW là tỉnh đã tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hiện nay, tỉnh đã ký kết với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc “Hiệp định công tác quản lý trao đổi văn hóa dân gian nhân dân biên giới hai nước Việt – Trung”, tạo mối quan hệ giao lưu, đối ngoại. Hằng năm, nhân dịp lễ hội xuân, kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước, hai bên thường có các hoạt động giao lưu đối ngoại về văn hóa, văn nghệ. Trung bình mỗi năm ở cấp tỉnh có trên 10 đoàn thực hiện giao lưu, trao đổi, đàm phán về văn hóa, thể thao, du lịch. Tại 5 huyện biên giới và các xã biên giới, hằng năm cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao với địa phương của nước bạn. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Xứ Lạng đến với bạn bè quốc tế, thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn. Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ để phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Bài, ảnh: MAI VĂN HOA
Ý kiến ()