Hiệu quả từ Nghị quyết số 29
LSO-Với diện tích đất lâm nghiệp gần 680 nghìn héc ta, chiếm 81,5% tổng diện tích tự nhiên, sản xuất lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về phát triển lâm nghiệp, công tác phát triển rừng của Lạng Sơn đã có sự chuyển mình.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Bình tuần rừng |
Chuyển mình từ thực hiện nghị quyết
Từ năm 2011 trở về trước, phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: phát triển rừng chưa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa cao, thu nhập của người trồng rừng còn thấp… Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phát triển lâm nghiệp, ngày 11/10/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29 về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2020.
Thực hiện nghị quyết này, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó cụ thể như: Chương trình hành động số 30/CTr-UBND thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chương trình hành động số 22/CTr-UBND, ngày 15/7/2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xác định rõ lĩnh vực ưu tiên là lâm nghiệp. Tùy vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, các huyện, thành phố đã chọn giống cây lâm nghiệp phù hợp để trồng. Trung bình hằng năm, mỗi huyện, thành phố trồng mới được từ 800 đến 1.000 ha rừng. Sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân giúp công tác trồng rừng chuyển biến rõ nét. Tính từ cuối năm 2011 đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh đã trồng mới được hơn 72.000 ha rừng. Các vùng nguyên liệu gỗ tập trung được củng cố, phát triển, một số sản phẩm lâm nghiệp chủ lực trở thành hàng hoá có giá trị được thị trường chấp nhận.
Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Điểm nổi bật trong việc thực hiện Nghị quyết số 29 đó là các huyện, thành phố đã chủ động phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất, tạo vùng nguyên liệu tập trung, bước đầu hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh một số loại cây chủ lực, cây gỗ lớn như: vùng thông ở Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc; vùng keo, bạch đàn tại Hữu Lũng, Chi Lăng; vùng hồi ở Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng; vùng cây nguyên liệu quế ở Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định… Ngoài ra, các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển các cơ sở chế biến lâm sản. Sự liên kết từ sản xuất đến chế biến đã góp phần nâng tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành năm 2016 lên 18,8%, tăng 7% so với năm 2011. Theo thống kê, hiện nay thu nhập từ rừng đạt từ 35 đến 45 triệu đồng/ha/năm. Nhờ trồng rừng, nhiều gia đình đã có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Mục tiêu đến năm 2020
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế từ rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế chưa khắc phục được như: chất lượng rừng trồng chưa cao, việc áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cho rừng trồng còn hạn chế. Công nghiệp chế biến lâm sản còn mang tính tự phát…
Tại hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 29 đầu tháng 7/2017, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ: Đến năm 2020, để đạt được mục tiêu trồng mới thêm 27.000 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng từ 63 – 64%; tỷ trọng cơ cấu nội ngành đạt 26%… các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 một cách hiệu quả. Trong đó cần tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Cụ thể, để nâng cao giá trị kinh tế rừng, cần tập trung phát triển vùng trồng rừng chủ lực như: vùng thông, vùng hồi, vùng keo, bạch đàn. Đặc biệt, cần xây dựng vùng sản xuất gỗ lớn khoảng 255 – 260 nghìn héc ta, chiếm 40 – 45% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Cùng đó là tăng cường đầu tư các cơ sở chế biến lâm sản có quy mô phù hợp với từng vùng nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()