Hiệu quả từ nền tảng đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển trực tuyến
Việc nâng cấp, mở rộng nền tảng đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển trực tuyến theo hướng ngày càng thuận lợi, chính xác, tin cậy hơn đã nhận được sự ủng hộ của người dân, góp phần không nhỏ vào thành công của kỳ thi tốt nghiệp và đợt tuyển sinh có quy mô triệu thí sinh tham gia.
Ảnh minh hoạ |
Phát triển nền tảng đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển trực tuyến là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục khi tham gia vào Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Năm 2022, hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển trực tuyến hướng tới việc toàn bộ khai báo thông tin của thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thông tin của hơn 1 triệu thí sinh phải kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để thí sinh không phải khai lại thông tin cá nhân đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu ngành và chỉ bổ sung thông tin cần thiết.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến nay, toàn bộ hệ thống phần mềm đã hoàn thành. Hạ tầng công nghệ, đường truyền đã được nâng cấp, chức năng an toàn bảo mật bảo đảm kết nối và thực hiện. Tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, trên 93% thí sinh đã đăng ký theo hình thức trực tuyến.
Hiện trong đợt tuyển sinh năm 2022 có hơn 900.000 thí sinh tương tác, hơn 300 trường đại học, cao đẳng tham gia với 20 phương thức xét tuyển với hơn 400.000 lượt mã ngành.
Bên cạnh các yêu cầu về bảo đảm xử lý số lượng nguyện vọng rất lớn, hệ thống đăng ký xét tuyển còn đảm nhận việc loại bỏ được lượng thí sinh ảo, kết nối dữ liệu học tập của học sinh ở phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, quản lý thanh toán lệ phí trực tuyến…
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, quá trình xây dựng hệ thống đã phải giải quyết những bài toán như làm thế nào để khi hàng triệu thí sinh truy cập cùng một lúc trong thời gian ngắn vẫn bảo đảm sự thuận tiện, độ chính xác. Những khó khăn khác là thời gian để triển khai thực hiện nhiệm vụ rất ngắn, trong khi nguồn lực hạn hẹp, hạ tầng công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn yếu, khả năng tiếp cận internet không đồng đều giữa các địa phương,..
Đến thời điểm này, đã có hơn 50% thí sinh cùng 2 triệu nguyện vọng đã đăng ký với tất cả các phương thức xét tuyển khác nhau. Cơ sở dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học bạ và các dữ liệu khác đã đã được kết nối liên thông, nhất quán theo mã định danh điện tử ở tất cả các cấp học sẵn sàng cho các trường xét tuyển.
Phần mềm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nền tảng thanh toán lệ phí sơ tuyển qua 15 kênh khác nhau bằng các phương thức khác nhau ở các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, công tác triển khai nói trên được các địa phương đánh giá cao. “Bên cạnh thuận tiện, giảm công sức và chi phí, giảm sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, còn là sự thay đổi nhận thức và tạo ra niềm tin, từng bước nâng cao năng lực số cho học sinh, giáo viên”.
Một số vấn đề cần tiếp tục thực hiện của Đề án 06 trong lĩnh vực giáo dục: Thu thập, chuẩn hóa thông tin định danh đối với cán bộ ngành giáo dục và học sinh; Tích hợp dịch vụ công trực tuyến công nhận văn bằng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học; Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo;…
Ý kiến ()