Hiệu quả từ một phong trào làm giàu của nông dân
Mô hình nuôi cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng tại xã Thành Tâm (Thạch Thành, Thanh Hóa). Ảnh: THANH TUẤN Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, giúp cải thiện đời sống cho hàng triệu hộ nông dân.Mô hình "Ngân hàng bò"Chúng tôi về Tam Lãnh, một xã miền núi của huyện Phú Ninh (Quảng Nam), nơi "ôm trong lòng" mỏ vàng Bồng Miêu nổi tiếng. Bao năm qua, người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đời sống của họ chủ yếu trông vào làm ruộng, chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp. Từ năm 2007 đến nay, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Hội Nông dân xã còn huy động thêm nguồn vốn từ hội viên và doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã để mua bò cấp cho các hộ nghèo trong xã nuôi quay vòng. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả kinh...
Mô hình nuôi cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng tại xã Thành Tâm (Thạch Thành, Thanh Hóa). Ảnh: THANH TUẤN |
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, giúp cải thiện đời sống cho hàng triệu hộ nông dân.
Mô hình “Ngân hàng bò”
Chúng tôi về Tam Lãnh, một xã miền núi của huyện Phú Ninh (Quảng Nam), nơi “ôm trong lòng” mỏ vàng Bồng Miêu nổi tiếng. Bao năm qua, người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đời sống của họ chủ yếu trông vào làm ruộng, chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp. Từ năm 2007 đến nay, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Hội Nông dân xã còn huy động thêm nguồn vốn từ hội viên và doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã để mua bò cấp cho các hộ nghèo trong xã nuôi quay vòng. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại đối với người nông dân từ mô hình “ngân hàng bò” đã và đang được đông đảo nhân dân địa phương đồng tình.
Chúng tôi tới thăm các hộ dân nằm trong Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lãnh Nguyễn Văn Bá phấn khởi cho biết: Hồi mới triển khai, xã cấp cho bảy hộ nghèo mỗi hộ một con bò cái. Sau một thời gian, các hộ không chỉ hoàn trả số tiền hỗ trợ, mà cuộc sống người dân còn cải thiện rõ nét. Gia đình anh Trần Ngọc Lanh ở thôn Đàn Thượng là trường hợp điển hình. Lập gia đình năm 1990, anh chị có ba người con, cuộc sống rất khó khăn, do chỉ dựa vào nghề đốn củi, thu nhập ít ỏi và khá bấp bênh. Năm 2004, gia đình được cấp hội cơ sở hỗ trợ một con bò cái giống (trị giá khoảng năm triệu đồng). Qua tám năm, từ một hộ khó khăn, nay anh Lanh đã hoàn trả lại tiền cho hội, tạo dựng nên một “gia sản” với đàn bò bốn con, đầu tư chăm sóc hai ha cây keo trị giá hơn 100 triệu đồng. Anh Lanh vui mừng cho biết, mới đây, gia đình vừa bán hai con bò thu về 30 triệu đồng để nâng cấp nhà ở cho khang trang hơn.
Không riêng hộ anh Lanh, thời gian qua, 76 hộ nông dân nghèo ở xã Tam Lãnh tiếp cận và thụ hưởng dự án chăn nuôi bò, 60 hộ đang sử dụng nguồn vốn của quỹ, với tổng số tiền 220 triệu đồng. Bước đầu, dự án đã góp phần giúp 50 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 30% năm 2004 đến nay xuống còn 17%. Lãnh đạo địa phương cho biết, năm nay, Hội Nông dân xã sẽ mua thêm 15 con bò cái giống cấp cho các hộ nghèo. Đây có thể xem là “cần câu”, và quan trọng hơn, mạng lưới cán bộ, hội viên và chính những nông dân như anh Lanh sẽ giúp họ “cách câu” để thoát nghèo bền vững.
Qua trao đổi, chúng tôi được biết: Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản (nhiều người dân gọi là “ngân hàng bò”) của tỉnh Quảng Nam hình thành đầu năm 2001. Lúc đầu, tỉnh hỗ trợ ngân sách 700 triệu đồng, Hội Nông dân tỉnh chọn 14 xã (thuộc bảy huyện) để triển khai dự án. Theo đó, cấp 350 con bò cái giống cho 350 hộ nghèo. Qua triển khai thí điểm thành công, tỉnh tiếp tục bổ sung thêm nguồn vốn ủy thác. Theo cách làm đó, “ngân hàng bò” ngày càng được nhân rộng ra khắp địa bàn tỉnh. Nguồn vốn bổ sung, quay vòng, giúp đàn bò số lượng ngày càng tăng, hàng nghìn hộ thoát khỏi cảnh đói nghèo; qua đó góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Theo số liệu thống kê, sau hơn 10 năm thực hiện, có hơn sáu nghìn hộ được hưởng lợi từ dự án. Tổng đàn bò của chương trình đến nay lên đến hơn 14.470 con, với tổng nguồn vốn hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, vốn ủy thác của ngân sách tỉnh 3,9 tỷ đồng; vốn đối ứng của nông dân 5,5 tỷ đồng; vốn tái đầu tư và tăng thêm hơn 21 tỷ đồng.
“Xây” trang trại trên cát
Dọc tuyến quốc lộ 1 từ Đèo Ngang đi qua các xã, huyện thuộc tỉnh Quảng Bình nằm trong khu vực các tỉnh duyên hải miền trung, bạt ngàn rừng cây và đồng lúa xanh rờn hai bên đường bất chấp cái nắng chói chang đầu hè. Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Võ Đại Nghĩa ở miền cát trắng Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Bước chân đến đây, cái cảm giác nóng hầm hập giữa triền cát như bị bỏ lại sau lưng. Thay vào đó là tán cây xanh mát của trang trại. Kể về những ngày đầu gian khó, anh Nghĩa cho biết, ngót chục năm về trước, hưởng ứng chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ nông dân, anh mạnh dạn xin nhận 30 ha đất cát trắng ngay sát quê hương mình để làm trang trại. Để tạo một vùng tiểu khí hậu ôn hòa trên vùng cát bỏng rát, anh tập trung trồng cây, rồi xây chuồng trại, trồng cỏ nuôi 100 con bò. Rồi đầu tư xây thêm chuồng trại, nuôi hàng trăm con lợn siêu nạc. Bằng sự năng động của mình, anh Nghĩa vào tận Khánh Hòa “tầm sư học đạo” nghề nuôi tôm. Một năm sau, 10 ha ao hồ để nuôi tôm trên cát được được xây dựng hoàn chỉnh, trở thành mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình có sử dụng máy ô-dôn sục khí.
Từ số tiền lãi thu được hằng năm, anh Nghĩa vay thêm 500 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô sản xuất, tăng quy mô chăn nuôi gia cầm, lợn rừng, đà điểu, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng… Năm 2011, doanh thu của trang trại đạt 35 tỷ đồng, mang về khoản lãi ròng 2,4 tỷ đồng. Điều đáng quý ở chỗ, thời gian qua, mô hình trang trại giúp tạo việc làm cho 100 lao động, mức lương trung bình từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng ban Tuyên huấn Hội Nông dân Quảng Bình Trần Quang Thuận cho biết, thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” ở tỉnh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Điển hình là doanh nghiệp tư nhân Thanh Hương của hội viên nông dân Võ Đại Nghĩa, đơn vị đầu tiên ở Quảng Bình thành lập trung tâm dạy nghề miễn phí cho nông dân trong tỉnh. Đến đây, nông dân được cán bộ, kỹ sư của doanh nghiệp truyền đạt các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trên cát, được tận mắt chứng kiến cách làm và thực hành ngay tại trang trại. Trong hai năm qua, doanh nghiệp – trang trại của anh Nghĩa đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đoàn thể, giúp đỡ 20 hộ dân thoát nghèo, hỗ trợ khoảng 20 nghìn gà giống giúp nông dân trong tỉnh phát triển chăn nuôi.
Chung quanh việc phát triển và nhân rộng các trang trại của nông dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Viết Ánh cho rằng, trong những năm qua, kinh tế trang trại trên địa bàn đã tạo ra lượng hàng hóa lớn, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, điển hình là trang trại của hội viên nông dân Võ Đại Nghĩa, và 112 trang trại trên địa bàn chính là những “đầu tàu” để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và quyết tâm vươn lên của bà con nông dân vùng đất miền trung còn không ít khó khăn.
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua
Từ thực tiễn phong trào nông dân thi đua làm giàu, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã gắn việc mở rộng, nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi về làng Hợp Giang, một trong những khu dân cư tiên tiến ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, nơi điển hình của phong trào hiến đất cho việc sử dụng vào mục đích công theo phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, đã khơi dậy tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Bí thư chi bộ Ngô Minh Thư cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cấp cơ sở chọn khâu đột phá từ vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, hiến đất cho việc quy hoạch, kiến thiết nông thôn. Nhiều cán bộ, đảng viên, các cụ cao tuổi trong thôn đi tiên phong, nêu tấm gương sáng cho con cháu. Riêng dòng họ Ngô ở thôn Hợp Giang đã hiến tặng hơn sáu sào ruộng cho việc quy hoạch làng nghề, xây dựng công trình phúc lợi công cộng.
Rõ ràng, từ phong trào thi đua với quy mô rộng khắp, nhiều năm qua đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, biết vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất, thửa vườn của mình. Quan trọng hơn, đã tạo động lực thúc đẩy hàng triệu hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2011 là 4,24 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn. So với giai đoạn 2002 – 2007, số hộ có mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm tăng gấp ba lần, số hộ có mức thu nhập hơn một tỷ đồng/năm tăng năm lần. Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh: Kết quả phong trào đã góp phần tích cực vào chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa gắn với công nghệ chế biến, v.v.
Nhiều dịp về cơ sở gặp gỡ, trao đổi, các đồng chí lãnh đạo xã, thôn tại nhiều địa phương đều chia sẻ: Một khi phong trào thi đua thiết thực, đạt kết quả cao, quan trọng nhất là “ý Đảng hợp lòng dân”, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thì phong trào sẽ có sức lan tỏa rộng khắp, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh những kết quả đạt được, cán bộ, người dân vùng quê nghèo vẫn còn không ít điều trăn trở, mong muốn đề đạt với Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết như năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân nói chung, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Từ những kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc, thời gian tới, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, qua đó phát hiện, tôn vinh và nhân rộng cách làm mới, hay và hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần thắng lợi vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nước ta.
Theo Nhandan
Ý kiến ()