Hiệu quả từ một nghị quyết
LSO-Thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân huyện Văn Quan đã thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn và đạt được những kết quả nhất định.
Đoàn cán bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thăm Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri
Huyện Văn Quan hiện có 273 cơ sở tôn giáo tín ngưỡng và 107 điểm di tích, trong đó có 14 điểm di tích lịch sử, 7 điểm di tích khảo cổ học, 59 điểm kiến trúc nghệ thuật, 19 điểm danh lam thắng cảnh, 6 miếu, 2 nhà thờ họ; 12 điểm di tích được xếp hạng, trong đó 1 điểm được xếp hạng cấp Quốc gia, 11 điểm di tích cấp tỉnh và 13 di tích được kiểm kê, phân loại chưa được xếp hạng. Bà Lương Thùy Nha, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Quan cho biết: Xác định công tác khoanh vùng bảo vệ, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với các di tích đã được xếp hạng các cấp theo quy định là vấn đề rất quan trọng nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm, xâm hại, lấn chiếm di tích, không gian văn hóa của di tích. Để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử kết hợp với phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của địa phương, phòng đã tham mưu UBND huyện quan tâm cấp GCNQSDĐ cho các điểm di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng.
Với những nỗ lực không ngừng, đến thời điểm này, toàn huyện Văn Quan có 12 di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa, bao gồm: Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri, 11 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đối với 11 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh thì việc khoanh vùng bảo vệ, cấp GCNQSDĐ, trùng tu, tôn tạo di tích bước đầu được thực hiện tại 4 di tích gồm: hang Ngườm Thẳm (thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái), cầu đá – bia đá Dã Nham (thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc), hang Rộc Mạ (thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc), hang Pác Ả – Kéo Vãng (thôn Bản Bác, thị trấn Văn Quan).
Ông Đổng Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện luôn quan tâm bảo vệ, tu bổ, phục hồi các điểm, khu di tích tiêu biểu tương xứng với vị thế và giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của từng điểm, khu di tích, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Trong năm 2020, huyện tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, đó là Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri theo hướng giữ lại nếp nhà cũ, giữ nguyên được các vẻ đẹp kiến trúc, không phá vỡ những giá trị truyền thống của ngôi nhà.
Song song với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc tại Văn Quan luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của huyện quan tâm thực hiện. Trong 5 năm trở lại đây, huyện Văn Quan đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức được 1 lớp truyền dạy đàn tính, hát dân ca Tày, Nùng cho 43 học viên; tổ chức được 8 lớp truyền dạy hát then, đàn tính tại các xã và các trường học trên địa bàn huyện với trên 160 học viên; tổ chức thành công hội thi liên hoan hát dân ca truyền thống dân tộc Tày, Nùng với trên 10 đơn vị xã tham dự; tổ chức đưa dân ca vào chợ phiên được 2 cuộc; thành lập được 20 câu lạc bộ và đội văn nghệ biết hát Sli của dân tộc Nùng. Toàn huyện đã tổ chức phục dựng được 3 lễ hội lồng tồng truyền thống tại các xã, duy trì tổ chức 10 lễ hội truyền thống.
Được biết thời gian tới, các cấp, ngành ở huyện Văn Quan tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, gắn với đó là tăng cường mở các lớp dạy hát đàn tính, hát dân ca Tày, Nùng, phục dựng các lễ hội truyền thống, từ đó lan tỏa phong trào bảo tồn di sản văn hóa trong Nhân dân, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển xã hội bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Ý kiến ()