Hiệu quả từ mô hình vỗ béo bò thịt
(LSO) – Nhằm thay đổi nhận thức, tập quán và nâng cao trình độ, kỹ thuật cho người chăn nuôi, từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình vỗ béo bò thịt. Sau 3 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2018, gia đình anh Lê Văn Quý, thôn Mỏ Rọ, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng có 10 con bò gầy được lựa chọn để thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo. Không chỉ được hỗ trợ thức ăn hỗn hợp và thuốc tẩy ký sinh trùng cho bò, anh Quý còn được hướng dẫn kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn và cách vỗ béo bò. Anh Quý cho biết: Sau 3 tháng, đàn bò của gia đình phát triển khỏe mạnh và tăng cân hơn. Khi bán, trung bình mỗi con bò, tôi lãi 3 triệu đồng. Nuôi bò vỗ béo thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi tự nhiên như trước đây.
Người dân xã Hồng Thái, huyện Bình Gia chăn nuôi bò vỗ béo
Gia đình ông Lương Hoàng Thức, thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia cũng tham gia mô hình và được hỗ trợ thức ăn, thuốc phòng, chống bệnh ký sinh trùng và hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo. Ông Thức cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên 2 năm nay, gia đình tôi đầu tư mở rộng chuồng trại, bể ủ thức ăn. Mỗi năm gia đình nuôi 3 lứa, mỗi lứa trên 50 con bò. Với cách chăn nuôi này, bò được vệ sinh thú y, nuôi nhốt, cho ăn thức ăn hỗn hợp nên con nào cũng béo tốt, bán được giá cao. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ nuôi bò vỗ béo.
Ông Lương Hoàng Đựng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Năm 2017, xã Hồng Thái có 26 hộ dân tham gia mô hình nuôi bò vỗ béo. Qua thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Nhận thấy hiệu quả nên nhiều hộ dân trong xã đã phát triển, nhân rộng mô hình này. Đến nay, trên toàn xã đã có gần 40 hộ thực hiện nuôi bò vỗ béo.
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ năm 2017 đến nay, trung tâm đã triển khai thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt tại 6 xã trên địa bàn tỉnh gồm: Tân Văn, Hồng Thái (Bình Gia); Vạn Linh, Bằng Mạc (Chi Lăng) và Tân Đoàn, Tri Lễ (Văn Quan). Mô hình hỗ trợ mỗi hộ dân 50% kinh phí đầu tư thức ăn hỗn hợp và toàn bộ thuốc tẩy ký sinh trùng. Khi tham gia, tất cả các hộ dân đều đảm bảo các điều kiện về chuồng trại nuôi nhốt, có bò (đực và cái) không còn sinh sản mà được nuôi với mục đích hướng thịt… Đồng thời Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo quy định. Sau khi thực hiện cho thấy: mô hình mang hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, kết quả thực hiện mô hình tại xã đạt mức tăng trọng bình quân từ 711g/con/ngày đến 739g/con/ngày, cho giá trị kinh tế cao hơn so với cách nuôi bò truyền thống từ 12,2% đến 16%.
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Chăn nuôi bò thịt vỗ béo đã làm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi bò của người dân, giúp người dân biết cách chuyển dần từ nuôi bò theo cách truyền thống, chăn thả tự nhiên, tự phát sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao; chăn nuôi đảm bảo vệ sinh để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhu cầu được tham gia mô hình nuôi bò thịt vỗ béo. Trước nhu cầu đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai mô hình trong thời gian tới. Trong tháng 5/2020, trung tâm đã rà soát một số chỉ tiêu để chuẩn bị triển khai mô hình tại xã Bằng Hữu (huyện Chi Lăng) với quy mô 180 con. Tin rằng, với sự quan tâm của ngành chức năng, sự hưởng ứng tích cực của người dân, thời gian tới, mô hình nuôi bò vỗ béo trên địa bàn tỉnh tiếp tục mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển mạnh, bền vững; mở ra hướng mới trong phát triển chăn nuôi cho người dân nhất là trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.
Ý kiến ()