Hiệu quả từ mô hình trường bán trú ở vùng cao Yên Bái
Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và triển khai năm học 2013-2014, do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức, một số mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong phát triển giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) của các địa phương đã được giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm.
Trong số đó, mô hình xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) của tỉnh miền núi Yên Bái đã thu hút sự quan tâm của toàn ngành về hiệu quả của chính sách hợp lý, “đi trước một bước” trong phát triển GD và ÐT nơi đây.
Những ngày cuối thu, khi tiết trời se lạnh là lúc núi rừng vùng cao Yên Bái luôn bị bao phủ bởi sương mù đặc quánh. Nhìn những học sinh người Mông, người Dao rảo bước đến trường trên những cung đường mòn cheo leo vách núi từ khắp các bản làng, cô giáo Hà Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Yên Bái không giấu được niềm vui. Cô tâm sự với chúng tôi, chỉ cách đây ít năm thôi, mỗi khi đông về, cái rét tê tái cùng với thời kỳ giáp hạt, lớp học thưa vắng học sinh là chuyện “thường ngày ở huyện” của Yên Bái. Nhưng giờ đây, điều đó đã không còn. Kết thúc năm học 2012-2013, toàn tỉnh chỉ có sáu học sinh tiểu học bỏ học, chiếm 0,01%, thấp hơn nhiều so với trung bình các tỉnh miền núi phía bắc (0,04%).
Sự vui mừng của cô giáo Lý cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì Yên Bái là tỉnh đặc thù miền núi với 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế – xã hội chậm phát triển. Toàn tỉnh có 70 xã vùng cao, 62 xã và hai huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, một bộ phận học sinh không thể trở về nhà trong ngày mà phải ở lại trường hoặc trọ trong nhà dân. Theo thống kê của Sở GD và ÐT Yên Bái, thời điểm năm học 2009 – 2010, toàn tỉnh có gần 5.000 học sinh thuộc 63 trường tiểu học, THCS và THPT phải ở nội trú trong trường hoặc thuê trọ chung quanh trường. Cơ sở vật chất cho học sinh ở lại trường khó khăn, thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 172 phòng nội trú, trong đó có 27 phòng kiên cố, còn lại là phòng bán kiên cố, phòng tạm chật hẹp. Mặt khác, các công trình nhà bếp, nhà ăn, công trình nước sạch phục vụ học sinh ở lại trường đều thiếu. Ðáng chú ý, nhiều học sinh ở trọ nhà dân hoặc tự làm lều lán gần trường khá tạm bợ. Bất kể mưa nắng hay giá rét, những học sinh tiểu học dù còn ở cái “tuổi ăn, tuổi ngủ” nhưng ngày cuối tuần phải về nhà lấy lương thực, thực phẩm, chất đốt… để tự nấu ăn, giặt giũ, tự lập với cuộc sống nơi trường lớp xa nhà. Cũng theo cô giáo Hà Thị Minh Lý, có những thời điểm, tại huyện vùng cao Trạm Tấu chỉ huy động được ba học sinh là người dân tộc Mông vào học trường THPT. Tất cả những khó khăn trong quá trình theo học của học sinh dân tộc thiểu số vùng cao khiến cho việc bảo đảm chuyên cần thiếu yếu tố bền vững, nguy cơ học sinh bỏ học luôn hiện hữu. Những lớp học thưa vắng học sinh mùa giá rét, kỳ giáp hạt luôn là nỗi băn khoăn của những người làm giáo dục Yên Bái.
Theo Nhà giáo Ưu tú Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học đã được đưa ra, trong đó tỉnh ban hành chính sách riêng cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải hỗ trợ mỗi em học sinh THPT người Mông 15 kg gạo mỗi tháng đến trường. Ngành GD và ÐT Yên Bái đã phối hợp các ngành, các địa phương, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực có những giải pháp sáng tạo, phù hợp cho trẻ đến trường chuyên cần. Các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các trường vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vận động người dân ủng hộ chính sách giáo dục và làm tốt công tác huy động trẻ em đến lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học. Vì vậy, số học sinh ra lớp được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, cái khó của địa hình núi rừng, sông suối và dân cư thưa thớt vẫn là “rào cản” học sinh đến trường.
Ðể cải thiện tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, chỗ ăn, ở cho học sinh, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết 22/2009/NQ-HÐND và UBND tỉnh có quyết định về đề án xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu: Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí hỗ trợ các trường PTDTBT bình quân mỗi năm 195 nghìn đồng cho một học sinh và điều chỉnh theo mức lương tối thiểu; cứ 30 học sinh ở nội trú có một nhân viên phục vụ… Hằng năm, tỉnh vận động cán bộ công chức của cả tỉnh ủng hộ một ngày lương cho học sinh các trường PTDTBT; đồng thời chỉ đạo các Ðảng bộ huyện phân công các chi bộ, các cơ quan nhận đỡ đầu từng trường. Bảo đảm không để tình trạng học sinh bỏ học do thiếu ăn, duy trì sĩ số ra lớp chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục. Mặc dù số tiền hỗ trợ còn eo hẹp nhưng việc sớm xây dựng mô hình trường PTDTBT ở Yên Bái đã tạo nên “cú huých” quan trọng trong việc huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Ðáng chú ý, sau khi có Quyết định số 85/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về học sinh bán trú và trường PTDTBT đã tạo điều kiện quan trọng để Yên Bái đẩy mạnh hỗ trợ học sinh, giảm tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ðiều đáng ghi nhận trong nỗ lực xây dựng mô hình trường PTDTBT, đưa bước trẻ đến trường của Yên Bái còn là sự vào cuộc của các ban, ngành, các đoàn thể chính trị – xã hội và người dân trong tỉnh đã tích cực, tình nguyện tham gia hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở, trang bị đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, tặng học bổng cho học sinh các trường PTDTBT. Nhiều địa phương dù còn khó khăn nhưng có cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả cao. Tại huyện Trạm Tấu, các ban, ngành của huyện cùng Hội Khuyến học tuyên truyền, vận động lãnh đạo các xã, thôn đến mùa thu hoạch, mỗi gia đình ủng hộ từ ba đến năm kg thóc để kỳ giáp hạt lấy gạo cho học sinh ở lại trường có lương thực nấu ăn. Từ những đợt vận động nhỏ lẻ, “phát sinh” khi thiếu đói đã trở thành phong trào xây dựng Kho thóc khuyến học, được nhân rộng ra toàn huyện để khen thưởng, giúp đỡ học sinh khó khăn khi đi học. Ðến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện xây dựng được Kho thóc khuyến học, hỗ trợ bữa trưa cho học sinh không được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh mồ côi. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình ở Yên Bái dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn hiến đất cho các trường học. Ðiển hình như ở huyện Văn Chấn có tám hộ gia đình đã hiến gần 14.000m2 đất, trong đó có gia đình ông Vàng Nủ Nhà, xã Sùng Ðô, hiến hơn 4.000m2 đất xây dựng trường học. Hay câu chuyện về anh Bàn Thừa Chiêu ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn hiến đất và dành một phần căn nhà cho học sinh Trường PTDTBT Nậm Lành ở trọ đã trở thành những tấm gương sáng hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Mặc dù quá trình triển khai mô hình trường PTDTBT đang từng bước khẳng định hướng đi đúng, hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai mô hình trường PTDTBT của Yên Bái cũng bộc lộ những bất cập như, nơi ở của học sinh còn chật chội, thiếu thốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt; việc định mức giáo viên chưa phù hợp với tính chất chuyên biệt của loại hình trường PTDTBT; công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên chưa được tổ chức bài bản. Ðặc biệt, yếu tố phối, kết hợp giữa nhà trường và gia đình có vai trò quan trọng là những khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng, làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.
– Sau ba năm học triển khai mô hình trường PTDTBT, toàn tỉnh Yến Bái đã có 38 trường PTDTBT, trong đó có chín trường tiểu học, 14 trường THCS và 15 liên cấp tiểu học và THCS; có 10.210 học sinh được hưởng chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú.
– Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các trường PTDTBT bậc THCS tăng từ 14% lên 18%; bậc tiểu học, kết quả môn Toán đạt khá, giỏi tăng từ 34% lên 37%, môn Tiếng Việt tăng từ 30% lên 34%.
– Tỷ lệ học sinh bỏ học của tỉnh Yên Bái năm học 2012-2013 bậc tiểu học còn 0,01% (giảm 0,04%), bậc THCS còn 0,59% (giảm 0,14% so với năm học trước)
(Nguồn: Sở GD và ÐT Yên Bái)
Ý kiến ()