Hiệu quả từ mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp tại cơ sở
– Sau hơn 5 năm triển khai, mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp (THA) tại tuyến cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc phát hiện sớm, kịp thời để điều trị, giúp người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí khám chữa bệnh và giảm áp lực cho hệ thống y tế tuyến trên.
Trước năm 2017, các bệnh nhân THA được theo dõi, quản lý và điều trị chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến tỉnh và 11 trung tâm y tế tuyến (TTYT) huyện, thành phố. Do các bệnh viện, TTYT thường xuyên thực hiện nhiều nhiệm vụ như khám, chữa bệnh, dự phòng… nên việc quản lý bệnh nhân THA gặp nhiều khó khăn, đôi khi xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám và lấy thuốc. Đồng thời, nhiều bệnh nhân THA ở xa các bệnh viện, giao thông đi lại khó khăn nên người bệnh tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia kiểm tra sức khỏe cho người dân trên địa bàn
Để giải quyết vấn đề trên, năm 2017, ngành y tế đã triển khai mô hình “Quản lý bệnh nhân THA tại các trạm y tế (TYT) tuyến xã, thị trấn”, ban đầu thực hiện thí điểm tại 20 TYT tuyến xã và từng bước nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, 200/200 TYT trên địa bàn tỉnh đều thực hiện quản lý bệnh nhân THA tại đơn vị. Hồ sơ, bệnh án, công tác khám định kỳ hay cấp phát thuốc đều được thực hiện tại y tế cơ sở đã tạo điều kiện cho các bệnh nhân được chăm sóc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn. Đặc biệt, thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại TYT xã, nhiều trường hợp bệnh nhân THA được phát hiện và được quản lý, theo dõi thường xuyên hơn.
Bác sĩ Trần Thị Phương, Trưởng TYT xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2020, TYT xã quản lý hơn 70 bệnh nhân THA nhưng qua theo dõi sức khỏe hằng ngày đối với người dân trên địa bàn, đơn vị đã phát hiện nhiều bệnh nhân có dấu hiệu THA. Ban đầu, việc vận động những bệnh nhân THA tham gia điều trị rất khó khăn, chúng tôi đến từng gia đình trực tiếp vận động họ tham gia điều trị; thông tin đến các trưởng thôn, bí thư chi bộ tuyên truyền kết hợp trong các cuộc họp thôn; huy động sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương. Nhờ đó, các bệnh nhân đều tham gia mô hình để được chăm sóc, quản lý sức khỏe tốt hơn. Đến nay, TYT xã đang quản lý trên 200 bệnh nhân THA có hồ sơ bệnh án đầy đủ, được cấp phát thuốc và khám sức khỏe định kỳ hằng tháng.
Việc quản lý bệnh nhân THA tại tuyến cơ sở đã tạo điều kiện cho những bệnh nhân được tiếp cận, sử dụng các loại thuốc điều trị, duy trì huyết áp; được khám sức khỏe định kỳ hằng tháng và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, mô hình đã giúp người bệnh tiết kiệm được thời gian, chi phí khám chữa bệnh. Ông Lâm Văn Tâm, 60 tuổi, thôn Khuổi Hắp, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cho biết: Trước đây, để khám sức khỏe định kỳ và lấy thuốc, tôi phải nhờ con cháu đưa ra TTYT huyện, đường xá đi lại khó khăn, vất vả tốn nhiều thời gian, tiền bạc nên nhiều tháng không đi khám sức khỏe và lấy thuốc được. Sau khi mô hình quản lý THA được thực hiện tại TYT xã, tôi rất mừng vì không phải đi xa khám sức khỏe và lấy thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, mô hình đã góp phần giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên trong hoạt động khám chữa bệnh của từng đơn vị, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y tế tuyến cơ sở, tạo niềm tin cho người bệnh. Bà Lý Thị Thao, thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Tôi bị THA được theo dõi quản lý tại TTYT huyện, năm 2017, tôi được chuyển hồ sơ về TYT xã Đại Đồng quản lý và điều trị. Tôi thấy việc theo dõi, khám sức khỏe tại đây cũng tốt như bệnh viện huyện nên tôi an tâm điều trị.
Thực tế cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, mô hình quản lý bệnh nhân THA tại tuyến cơ sở đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân duy trì huyết áp ổn định cao, giảm những biến chứng nguy hiểm do bệnh THA gây ra. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ hơn 8.000 bệnh nhân THA được quản lý năm 2018, đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có trên 20.000 bệnh nhân THA được quản lý, trong đó, hơn 14.000 bệnh nhân đang được quản lý, theo dõi tại các TYT xã, chiếm 70% tổng số bệnh nhân được quản lý (các trường hợp còn lại được quản lý tại TTYT tuyến huyện và bệnh viện tuyến tỉnh).
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiệu quả thiết thực của mô hình quản lý bệnh nhân THA chính là chủ động sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp THA ngay tại tuyến cơ sở để kịp thời theo dõi, quản lý, bệnh nhân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ, vừa có thời gian làm việc. Đồng thời, mô hình trên đã góp phần giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh và từng bước nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở.
Thời gian tới, mô hình quản lý bệnh nhân THA tại cơ sở tiếp tục được triển khai sâu, rộng, đổi mới về công tác quản lý, chủ động trong công tác sàng lọc để Nhân dân có thể được tiếp cận với những dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe ban đầu được tốt hơn.
Ý kiến ()