Hiệu quả từ mô hình nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái
– Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá Tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn; sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với du lịch sinh thái tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn” được triển khai từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2022. Dự án do kỹ sư Nhữ Ngọc Dưỡng, nghiên cứu viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bắc Sơn (Thái Nguyên) làm chủ nhiệm. Việc triển khai thành công dự án đã mở ra hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, đến nay, dự án đã kết thúc song mô hình vẫn tiếp tục được duy trì.
Cá tầm từ dự án được đưa vào thực đơn phục vụ thực khách của Vườn sinh thái Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn
Cá tầm có thịt trắng, dai, chứa nhiều vitamin A, phốt-pho, vitamin B6, B12 đặc biệt là omega 3 và omega 6, dễ hấp thu và dễ tiêu hoá. Hiện trên thị trường giá cá tầm nguyên con từ 300 – 350 nghìn đồng/kg. Qua khảo sát cho thấy, tỉnh Lạng Sơn có tiềm năng phong phú về nguồn nước lạnh, đây là tiền đề nuôi các loài cá nước lạnh, trong đó có cá tầm. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc phát triển mô hình nuôi cá tầm thương phẩm vào nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, đồng thời tuyển chọn nhóm nghiên cứu, đơn vị triển khai thực hiện.
Kĩ sư Nhữ Ngọc Dưỡng, nghiên cứu viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bắc Sơn (Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi lựa chọn công nghệ nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn vì đây là công nghệ nuôi cá có nhiều ưu điểm như: có thể kiểm soát tốt đối với nhiệt độ và các chỉ số về chất lượng nước, thích hợp với sự sinh trưởng của cá tầm; chủ động trong khâu phòng bệnh, hạn chế nước thải ra môi trường; không cần nhiều diện tích; tiết kiệm nước…. Đặc biệt, công nghệ này cho phép nuôi cá ở mật độ cao hơn.
Sau khi khảo sát, đánh giá chất lượng nước và các điều kiện triển khai mô hình, từ tháng 7/2020, nhóm thực hiện dự án đã triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống tuần hoàn nuôi cá tầm thương phẩm với hệ thống 14 bể nuôi có mái che, máy làm lạnh nước, máy sục khí, máy tạo ô xi, máy bơm nước, máy lọc nước… Cá giống thả là cá tầm Xiberi khỏe mạnh, đồng đều về kích thước, màu sắc, không có dấu hiệu bệnh lý, trọng lượng 250g/con. Trong năm đầu tiên, nhóm thực hiện dự án tiến hành nuôi thử nghiệm trên quy mô 152 m3 với 2.584 con cá giống.
Sau 2 năm nuôi trong hệ thống tuần hoàn, tỷ lệ sống đạt 87,5%, trọng lượng cá đạt trung bình 3,67 kg/con, khối lượng tổng đàn đạt 6.679 kg. Năng suất bình quân 41,74 kg/m3. Khối lượng thức ăn tiêu tốn là 12.465 kg. Với giá bán 250.000 đồng/kg, trừ các chi phí về nhân công, thức ăn, thuốc phòng bệnh, khấu hao cơ sở vật chất, lãi ròng thu trên 350 triệu đồng. Khi cá tầm đạt cỡ thương phẩm, nhóm thực hiện dự án đã lấy mẫu gửi đến Viện Khoa học sự sống, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả phân tích cho thấy, trong thịt cá không có dư lượng thuốc kháng sinh, vi khuẩn gây hại.
Cùng đó, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng mô hình sơ chế, chế biến phục vụ du khách tham quan, du lịch. Theo đó, những con đạt trọng lượng từ 3,5 kg trở lên được tỉa bớt để sơ chế cung cấp cho các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) như: vườn sinh thái Mỏ Mắm; vườn Quýt Hang Hú; khu du lịch Hang Phượng Hoàng… Tại các điểm du lịch này, cá tầm được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn như: cá tầm om chuối đậu, cá tầm nướng riềng mẻ, cá tầm rang muối, lẩu cá tầm…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2022, gia đình tôi đã đến tham quan, trải nghiệm tại vườn sinh thái Mỏ Mắm, huyện Bắc Sơn, tại đây tôi rất bất ngờ vì nhà hàng phục vụ các món ăn từ cá tầm mà lại nuôi ngay trên địa bàn huyện. Cá còn tươi sống lại được chế biến thành nhiều món ăn ngon nên các thành viên trong gia đình tôi đều rất thích.
Sau khi nuôi thử nghiệm thành công, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá tầm và tiến hành chuyển giao, đào tạo 5 kỹ thuật viên, tập huấn cho 25 hộ nông dân tại địa phương về kỹ thuật nuôi cá tầm. Hiện nay, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bắc Sơn vẫn tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, đồng thời phối hợp mở rộng mô hình tại tỉnh Thái Nguyên.
Mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn; sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với du lịch sinh thái tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá tầm tại tỉnh Lạng Sơn, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua đề tài cho thấy một số khu vực có nguồn nước lạnh tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình, Chi Lăng là điều kiện thuận lợi để nuôi cá Tầm. Nếu được quy hoạch, chủ động được con giống, thức ăn… thì đây là hướng phát triển kinh tế mới cho hiệu quả cao.
Với hiệu quả và ý nghĩa mang lại trong phát triển kinh tế, xã hội, cuối tháng 3/2023, dự án đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu.
Ý kiến ()