Hiệu quả từ mô hình “Lăng kính an toàn giao thông”
LSO-Trong thời gian qua, việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông thường xuyên được lãnh đạo tỉnh lưu ý các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Bám sát chỉ đạo này, Trường THPT Hữu Lũng đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Lăng kính an toàn giao thông”, tuy mới triển khai nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực.
Học sinh Trường THPT Hữu Lũng dọn vệ sinh đoạn đường tự quản đảm bảo trật tự ATGT |
Chị Nông Thu Thủy, Bí thư Đoàn Trường THPT Hữu Lũng tâm sự: trường nằm không xa quốc lộ 1A, hàng ngày có rất nhiều phương tiện đi lại, học sinh đến lớp thường xuyên phải di chuyển trên quốc lộ này. Vì vậy chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ nhưng hiệu quả chưa cao. Chỉ trong 2 – 3 năm trở lại đây, trường đã có 4 học sinh tử vong do tai nạn giao thông. Xác định để thay đổi từ nhận thức đến hành vi trong học sinh thì cần chính các em cùng tham gia công tác tuyên truyền, trường đã triển khai mô hình “Lăng kính an toàn giao thông” trong tháng 1/2014.
Triển khai mô hình này, mỗi lớp được giao nhiệm vụ làm 2 đoạn phim ngắn bằng cách ghi hình, chụp ảnh phản ánh thực trạng học sinh trong trường khi tham gia giao thông mỗi giờ tan trường hoặc trước giờ vào lớp. Phương tiện kỹ thuật là điện thoại, máy ảnh do các em tự trang bị hoặc sử dụng máy quay, máy ảnh của nhà trường. Mỗi đoạn phim là một chủ đề khác nhau như: học sinh đi bộ chưa chấp hành luật, đi sai tín hiệu đèn giao thông, qua đường không an toàn, che ô khi lưu thông bằng xe đạp điện, xe đạp, phóng nhanh, lạng lách… Bên cạnh hình ảnh, các thầy cô trong trường còn hướng dẫn các em viết lời bình, đưa ra những lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn. Sau khi hoàn thiện, đoạn phim sẽ được phát trong các buổi ngoại khóa, các tiết học giáo dục an toàn giao thông, chiếu trong các buổi họp đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ…
Em Đoàn Bá Anh Tuấn, học sinh Trường THPT Hữu Lũng cho biết: qua các đoạn phim ngắn, những hình ảnh chưa đẹp của chúng em khi tham gia giao thông được mọi người xem, bình luận, quả thực rất xấu hổ. Chính vì vậy, để không bị ghi hình và thường xuyên có mặt trong các đoạn phim, chúng em phải tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hơn 60 đoạn phim được thực hiện, các hình ảnh trong phim đã tác động mạnh mẽ đến việc chấp hành pháp luật của học sinh trong trường. Do tâm lý những hành động không hay của bản thân có thể “bị” nhóm “lăng kính” bắt gặp, ghi lại hình ảnh nên mỗi khi tham gia giao thông các em đã nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Bên cạnh việc tổ chức làm các đoạn phim ngắn, Ban Giám hiệu nhà trường còn phát động các lớp hiến kế để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh chấp hành pháp luật. Đến nay, đã có 20 sáng kiến của các lớp với các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi về giao thông, ý tưởng giao thông thông minh, tạo các sân chơi về an toàn giao thông… những ý kiến có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng trong trường sẽ được nghiên cứu và triển khai. Song song với việc triển khai mô hình “Lăng kính an toàn giao thông”, Trường THPT Hữu Lũng còn duy trì hoạt động của đội cờ đỏ làm nhiệm vụ nhắc nhở học sinh đi lại có trật tự, không tụ tập trước cổng trường; nói chuyện về vấn đề an toàn giao thông trong giờ chào cờ đầu tuần; phối hợp với công an huyện rà soát, nhắc nhở học sinh đến trường bằng xe đạp điện đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, tuân thủ các quy định khi lưu thông trên đường.
Chị Thủy cho biết thêm: khi mới triển khai chương trình, các em không hào hứng nhưng khi những đoạn phim đầu tiên ra đời các em đã hứng thú hơn do được trải nghiệm công việc như những phóng viên, làm việc tập thể, các ý tưởng đều được thầy cô ghi nhận, trân trọng. Mô hình “Lăng kính an toàn giao thông” là cách làm rất mới, cho hiệu quả cao lại không khó để nhân rộng. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại di động, máy tính bảng hoặc máy ảnh du lịch là có thể dễ dàng ghi hình, chụp ảnh cũng như làm những đoạn phim ngắn, vì vậy các trường học trên địa bàn tỉnh có thể áp dụng cách làm này để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()