Thứ 5, 28/11/2024 09:36 [(GMT +7)]
Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp
Thứ 3, 21/02/2012 | 09:27:00 [(GMT +7)] A A
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lâm bước đầu đã có những kết quả, đem lại thu nhập cho gia đình. Hiệu quả thì đã rõ nhưng để làm được điều đó cần phải dám nghĩ, dám làm hay như câu nói chậm rãi của ông Lâm sau khi nhả khói điều thuốc lào: “ làm kinh tế lắm lúc cũng phải có máu liều”.
LSO-Trao đổi với ông Nguyễn Công Tâm, Phó chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng được biết: thị trấn Na Sầm chỉ có 2 thôn tập trung sản xuất nông nghiệp, các khu còn lại gần như không có diện tích hoặc diện tích đất nông nghiệp rất ít. Tuy nhiên vài năm trở lại đây đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi tổng hợp, bước đầu đã đem lại kết quả đáng mừng. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Đình Lâm, người khu 3, thị trấn Na Sầm. Nghe đến mô hình chăn nuôi “táo bạo”, chúng tôi được ông Tâm dẫn đến trang trại để “mục sở thị”.
Ao cá dưới rừng bạch đàn trang trại ông Lâm
Bỏ lại những chiếc xe máy ở cuối đường, chúng tôi đi bộ men theo bờ ao để vào trang trại của ông Lâm. Tiếp chung tôi trong căn nhà khang trang nằm giữa trung tâm trang trại, ông Lâm khiêm tốn nói: trang trại có gì đâu các chú, người ta chăn lợn, chăn gà vừa phổ biến lại đem lại kinh tế cao chứ như trang trại của tôi nuôi toàn loại “ khó”, mạo hiểm lắm. Quả đúng như vậy, ngồi trong phòng uống nước mà lúc nào cũng có những âm thanh của loài vật giữa những khu vườn tĩnh lặng trong đêm. Ra là qua lớp màn gió mỏng là gần chục cái thùng xốp nuôi dế. Đang mải nghe dàn đồng ca của lũ dế nuôi trong thùng thi tiếng chim bồ câu gù sát vách tường. Và có lẽ không thể ngồi lâu hơn trong phòng được nữa, ông Lâm dẫn chúng tôi tham quan trang trại chăn nuôi tổng hợp của mình. Những chú bồ câu trắng muốt đang ăn thóc, cám ngoài sân thấy người lạ liền bay đi hàng loạt. Theo những chú chim vào “ khu nhà riêng” của bồ câu, một gian nhà cấp 4 khá rộng rãi, sạch sẽ được thiết kế phù hợp với đặc tính hoạt động và sinh sản của loài chim nói chung và với gần 100 con bồ câu nói riêng. Đối diện với khu nuôi chim bồ câu là hệ thống các chuồng nuôi nhím. Có thể nói nhím là loài chủ đạo trong trang trại của ông Lâm khi được đầu tư xây dựng chuồng trại trên một diện tích khá lớn, các chuồng nuôi nhím được phân ô với mỗi ô nuôi từ 1-2 con tùy vào thời gian sinh trưởng của từng con. Ông Lâm cho biết hiện trang trại đang nuôi 80 con nhím sinh sản. Thời gian nuôi cho đến khi sinh sản dao động trong khoảng 1 năm và mỗi lứa nhím có thể đẻ từ 1-3 con. Với giống nhím, việc chăm sóc tuy không quá khó nhưng kinh nghiệm còn hạn chế. Qua tìm hiểu các phương tiện truyền thông như báo, đài địa phương, ông đã mạnh dạn học hỏi và tìm đến các trang trại lớn ở thành phố Lạng Sơn mua giống. Sau đó ông vừa chăm sóc, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm và cho đến nay việc phát triển và sinh sản của đàn nhím không gặp nhiều khó khăn. Khi vẫn còn thắc mắc về những chú dế được nuôi kín trong phòng, ông Lâm chia sẻ: tôi không nuôi dế để bán mà chủ yếu là cung cấp thức ăn cho tắc kè, một loài mới trong trang trại của tôi. Hiện ông đang nuôi 100 đôi tắc kè. Là một loài mới được đưa vào chăn nuôi nên ông chăm sóc rất cẩn thận.
Bên cạnh việc đầu tư vào nuôi nhím, bồ câu, tắc kè, trang trại ông Lâm còn có ao cá với diện tích hơn 1000m2, được chia làm các ao nhỏ nuôi 4 loại cá chính: trôi, trắm, chép, mè. Cùng với đó là 1,5ha rừng bạch đàn, keo tại trang trại và hơn 10ha rừng được trồng ở xã Trùng Khánh. Khi được hỏi về hiệu quả kinh tế mang lại, ông Lâm bộc bạch: trang trại được bắt đầu xây dựng từ năm 2007 và đến 2008 đưa các giống vật nuôi vào. Tùy vào từng năm và từng thời điểm mà sản phẩm của ông có giá khác nhau. Trung bình mỗi năm thu nhập từ trang trại được khoảng 100-150 triệu đồng. Đơn cử như trong năm 2010, giá 1 cặp nhím giống 2 tháng tuổi bán với giá 10-15 triệu đồng nhưng năm 2011 chỉ bán được 7 triệu đồng; tắc kè thì ổn định hơn với giá 180.000-230.000 đồng.
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lâm bước đầu đã có những kết quả, đem lại thu nhập cho gia đình. Hiệu quả thì đã rõ nhưng để làm được điều đó cần phải dám nghĩ, dám làm hay như câu nói chậm rãi của ông Lâm sau khi nhả khói điều thuốc lào: “ làm kinh tế lắm lúc cũng phải có máu liều”.
Đình Quyết
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()