Hiệu quả từ mô hình Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã
Nông dân xã Tân Lập chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả bằng các loại cây có chất lượng cao. Trong ảnh: Kiểm tra sự phát triển của cây đỗ. Đến thăm xã Tân Lập, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) những ngày đầu năm mới, chúng tôi nhận thấy các thôn, xóm tràn ngập không khí vui tươi, phấn khởi. Thời gian qua, dù nhiều khó khăn nhưng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân vẫn triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.Có được kết quả này một phần là do Đảng ủy và nhân dân xã Tân Lập thực hiện tốt chủ trương thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã theo Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn". Đối với Tân Lập, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Nằm trong vùng chiêm trũng, chỉ quen với cây lúa và ngô, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống nhân dân khó khăn. Trong khi đó, hệ thống chính trị còn nhiều bất cập, chức...
Nông dân xã Tân Lập chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả bằng các loại cây có chất lượng cao. Trong ảnh: Kiểm tra sự phát triển của cây đỗ. |
Có được kết quả này một phần là do Đảng ủy và nhân dân xã Tân Lập thực hiện tốt chủ trương thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã theo Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”. Đối với Tân Lập, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Nằm trong vùng chiêm trũng, chỉ quen với cây lúa và ngô, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống nhân dân khó khăn. Trong khi đó, hệ thống chính trị còn nhiều bất cập, chức năng nhiệm vụ giữa các tổ chức chồng chéo; đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ thấp, tư duy lãnh đạo quen lối mệnh lệnh hành chính, ỷ lại trông chờ vào cấp trên nên lúng túng trong đề ra và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã quyết tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Trước hết, Đảng ủy xã quan tâm đổi mới hoạt động của UBND, HĐND theo hướng bám sát cơ sở. Thông qua MTTQ và chi bộ cơ sở để xây dựng cơ chế giám sát của cử tri đối với hoạt động của HĐND. Đảng ủy cũng rà soát, sửa đổi quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống tránh chồng chéo; phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được đề cao nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra được thực hiện triệt để. Các chi bộ đảng nông thôn tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt. Đảng ủy xã phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đến sinh hoạt cùng các chi bộ để nắm bắt tình hình và trực tiếp giải quyết vấn đề đặt ra.
Cách làm này đã đưa cán bộ, chính quyền đến gần với nhân dân hơn. Nhiều nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu kinh tế được xây dựng, triển khai đã gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cao. Đến thăm cánh đồng thanh long ruột đỏ sai quả của thôn Vân Nhưng, bà con nông dân cho biết, năm nay loại quả này được giá nên cứ một ha cho thu nhập gấp sáu lần trồng lúa. Đồng chí Nguyễn Xuân Thường, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Đây là kết quả triển khai Nghị quyết của Đảng ủy xã về thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Để triển khai Nghị quyết, chi bộ đã cử đảng viên tham quan tìm hiểu các mô hình mới. Với cây thanh long ruột đỏ, đảng viên chi bộ vào tận miền nam học hỏi. Sau khi trồng thử nghiệm có kết quả, đã mời bà con đến tham quan, hướng dẫn cách làm và vận động thay thế một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Bắt đầu từ ba ha thử nghiệm, đến nay nhân dân trong thôn Vân Nhưng và toàn xã đã mở rộng hơn 50 ha. Cùng với cây thanh long ruột đỏ, cán bộ, nhân dân còn trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao như cam, bưởi và nhiều loại rau, củ, quả. Đảng ủy xã cũng vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô hình khoa học. Gia đình bác Nguyễn Minh Hoàng, thôn Thụy Điền thay thế diện tích lúa một vụ sang nuôi thả cá cho thu nhập 70 triệu đồng/một năm, gấp bốn lần trồng lúa. Những năm gần đây, giao thông mở mang, Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết về phát triển dịch vụ vận tải, động viên nhân dân đầu tư phương tiện. Hiện xã có hơn 30 xe ô-tô lớn, nhỏ chuyên phục vụ vận tải đường dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau ba năm thực hiện việc thí điểm mô hình, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, Tân Lập từ một xã nghèo đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 12% năm 2009 xuống còn dưới 4%. Kinh tế phát triển tạo thuận lợi cho Tân Lập trong thực hiện nếp sống văn hóa. Sang năm 2013, cả tám thôn trong xã đã có nhà văn hóa và xây dựng được quy ước, hương ước. Nhiều thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp tỉnh. Cuộc sống ngày một đi lên đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền xã. Theo đồng chí Khổng Thế Chung, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, thực hiện mô hình này ở Tân Lập đã khắc phục được nhiều hạn chế trong công tác quản lý, điều hành; tạo được sự thống nhất, liên thông trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức đảng, UBND, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, bài học rút ra trong thực hiện là ngoài việc người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, trách nhiệm thì cần nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức xã, đặc biệt là các đồng chí Phó Bí thư và Phó Chủ tịch UBND trong công tác tham mưu giúp đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND điều hành tốt công việc của Đảng cũng như công việc của chính quyền.
Theo Nhandan
Ý kiến ()