Hiệu quả từ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư
LSO-Tập trung phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật giao thông đến các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ năm 2010 trở lại đây. Trong kế hoạch hằng năm và 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, tỉnh luôn ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn triển khai danh mục dự án đầu tư hạ tầng giao thông đến các cửa khẩu với mục tiêu hỗ trợ xây dựng kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Lạng Sơn.
![]() |
Đường trục chính Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển cửa khẩu và vốn ODA |
Từ năm 2012 trở lại đây, tỉnh đã bố trí nguồn lực thực hiện đầu tư gần 20 dự án hạ tầng giao thông tới các cửa khẩu với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Ngoài ưu tiên đầu tư các dự án kết nối giao thông từ đường vành đai biên giới vào các cửa khẩu, tỉnh còn tập trung củng cố hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ tại các cửa khẩu.
Trong đó, nhiều dự án lớn đã, đang được triển khai như: dự án đường Pác Luống – Tân Thanh (3 km); đường Na Sầm – Na Hình (15 km); đường Bản Nằm – Bình Độ – Đào Viên (32 km); cải tạo nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Thất Khê đi cửa khẩu Nà Nưa (13 km), dự án cải tạo quốc lộ 31 đến cửa khẩu Bản Chắt (30 km); dự án đường Hữu Nghị – Bảo Lâm (9 km)… Riêng các tuyến đường đấu nối đường vành đai biên giới với các cửa khẩu đã, đang được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp từ năm 2012 đến nay lên tới hơn 100 km. Để thực hiện cứng hóa, nhựa hóa các tuyến đường đến các cửa khẩu, tỉnh đã sử dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện các công trình.
Dự án đường Na Sầm – Na Hình đấu nối với đường tuần tra biên giới được thực hiện giai đoạn 2012 – 2016 có tổng mức đầu tư ban đầu gần 400 tỷ đồng. Do dự án tác động rất lớn đến phát triển cửa khẩu Na Hình và có tổng mức đầu tư lớn, nếu huy động từ một nguồn vốn sẽ rất khó hoàn thành theo kế hoạch, do vậy, tỉnh đã huy động sử dụng lồng ghép bằng nhiều nguồn khác nhau để đầu tư công trình như: vốn vay theo khoản 3 điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội tuyến biên giới Việt – Trung; vốn đầu tư các dự án cấp bách, vốn phát triển kinh tế – xã hội vùng. Trong đó, nguồn vốn phát triển kinh tế – xã hội vùng chiếm tỷ lệ lớn nhất khoảng 60% tổng vốn đầu tư.
Một dự án khác là dự án hệ thống hạ tầng giao thông cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có tổng chiều dài hơn 2,5 km, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Dự án này nhằm cụ thể hóa quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cửa khẩu Hữu Nghị. Để huy động nguồn lực thực hiện các hạng mục đường giao thông, tỉnh đã bố trí vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, thực hiện hạng mục nền đường, tỉnh bố trí sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển khu kinh tế cửa khẩu; đối với phần mặt đường trục chính và đường xuất, nhập khẩu hàng hóa, tỉnh sử dụng vốn ODA do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ và vốn đối ứng trong nước với tỷ lệ vốn bố trí từ các nguồn ngang nhau.
Ông Lăng Văn Thạu, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật tỉnh – đơn vị đang thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông đến các cửa khẩu của tỉnh cho biết: Việc sử dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư để thực hiện các công trình hạ tầng giao thông ra cửa khẩu là một trong các biện pháp điều hành linh hoạt hiệu quả của UBND tỉnh đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản triển khai các công trình hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, dự án được đẩy nhanh tiến độ và góp phần thực hiện nhanh tiến trình củng cố kết cấu hạ tầng ra cửa khẩu theo đúng mục tiêu của tỉnh đề ra.
Nhờ lồng ghép có hiệu quả nhiều nguồn vốn khác nhau trong việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, đến nay mạng lưới hạ tầng giao thông ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được cứng hóa. Điều này đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động giao thương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
CÔNG QUÂN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()