Hiệu quả từ liên kết trồng khoai tây vụ đông
– Thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây vụ đông giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Trong vụ đông năm 2021-2022, mô hình tiếp tục được triển khai và nhân rộng, qua đó, góp phần tạo thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định cho bà con.
Vụ đông năm 2021-2022 là năm thứ hai, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Chộc Pháo, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình phối hợp với Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây. Bà Vi Thị Thảo, Giám đốc HTX cho biết: Vụ đông này, HTX liên kết với công ty trồng gần 5 ha khoai tây giống Marabel của Đức (tăng 3 ha so với vụ đông năm 2020 – 2021). Đến thời điểm này, HTX đã thu hoạch được 48 tấn, được công ty thu mua toàn bộ với giá 7.000 đồng/kg, bằng với giá thị trường. HTX đã thu về hơn 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên thu về khoảng 25 triệu đồng (HTX có 10 thành viên tham gia mô hình liên kết trồng khoai tây). Trong những vụ sau, HTX tiếp tục liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi liên kết và tập trung nâng cao năng suất chất lượng, hơn nữa.
Người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng thu hoạch khoai tây vụ đông 2021-2022
Không chỉ có HTX Dịch vụ nông nghiệp Chộc Pháo, vụ đông năm 2021 – 2022, nhiều bà con trong tỉnh đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ khoai tây. Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ đông năm 2021 -2022, toàn tỉnh trồng được 488 ha khoai tây (giảm 91 ha so với vụ đông năm 2020 – 2021). Diện tích trồng khoai tây giảm là do chi phí vật tư tăng cao, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên bà con không mạnh dạn đầu tư sản xuất. Năm nay, cơ cấu giống khoai được đưa vào sản xuất gồm có giống Marabel, Solara, Diamant, giống Trung Quốc. Trong 488ha khoai tây có đến 210 ha (tăng 10 ha so với vụ đông năm 2020 – 2021) được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân tại các huyện: Lộc Bình, Văn Quan, Văn Lãng, Bắc Sơn, Chi Lăng, Cao Lộc, Hữu Lũng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây, đó là Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn (thàng phố Lạng Sơn) và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp VIGIA (huyện Lộc Bình), với giống chủ yếu là giống khoai tây Marabel của nước Đức.
Để việc liên kết đạt hiệu quả theo hợp đồng, các doanh nghiệp tham gia liên kết thực hiện cung ứng trước cho bà con về giống theo hình thức trả chậm, đến cuối vụ mới thanh toán. Cùng với đó, các doanh nghiệp liên kết còn hỗ trợ bà con trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giám sát các hộ tham gia thực hiện đúng theo quy trình. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia liên kết cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cả linh động theo giá thị trường, đảm bảo mức lợi nhuận cho bà con yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, khoai tây được bà con trong tỉnh trồng nhiều nhưng khó khăn khi tìm đầu ra, giá cả thị trường bấp bênh, không ổn định. Do vậy, công ty đã liên kết với bà con sản xuất và tiêu thụ khoai tây với giá ổn định từ vụ đông năm 2018-2019. Theo đó, công ty đã hỗ trợ giống và kỹ thuật cho bà con. Vào mỗi vụ thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm linh động theo giá thị trường và mức giá thấp nhất là 4.000 đồng/kg. Riêng vụ đông năm 2021-2022, công ty đã liên kết sản xuất được 150 ha khoai tây giống Marabel (tăng 120 ha so với năm 2018), giống khoai của Đức vượt trội về năng suất, chất lượng và hình thức so với các giống khác. Thời điểm này, công ty đã thu mua được hơn 300 tấn khoai tây cho bà con, với giá 7.000 đồng/kg.
Tính đến thời điểm này, bà con trong tỉnh đã thu hoạch được trên 150 ha (chiếm hơn 30%) diện tích khoai tây vụ đông. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ước năng suất khoai tây năm nay đạt 120 tạ/ha (tương đương với vụ đông năm 2020 – 2021), sản lượng ước đạt 5.800 tấn, giá trị kinh tế đem lại ước trên 45 tỷ đồng.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố đã chú trọng tuyên truyền đến các doanh nghiệp, HTX và người dân thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có cây khoai tây. Bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Khoai tây vụ đông được bà con trong tỉnh đưa vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, do giá khoai tây thương phẩm bán cho thương lái thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Do vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường giúp bà con yên tâm sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con.
Ý kiến ()