Hiệu quả từ liên doanh, liên kết trồng rừng ở Tuyên Quang
Việc liên doanh, liên kết trồng rừng giúp Công ty CP nguyên liệu giấy An Hòa luôn bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất. Trong ảnh: Vận chuyển cây nguyên liệu giấy cho nhà máy. |
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trong trồng rừng giữa các công ty lâm nghiệp với người dân, đã và đang mang lại lợi ích thiết thực. Cuộc sống của người trồng rừng tại địa phương được cải thiện rõ rệt nhờ hiệu quả của mô hình này.
Thực hiện chính sách phát triển rừng, ổn định vùng nguyên liệu giấy trên địa bàn nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy, từ năm 2016, Công ty cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa đã thực hiện chương trình cung cấp cây giống miễn phí để người dân trồng và phát triển rừng. Sau hai năm triển khai thực hiện, công ty đã hỗ trợ hơn 5,3 triệu cây giống cho 1.300 hộ dân tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn tham gia trồng rừng với tổng diện tích rừng được trồng mới lên tới 3.250 ha. Ngoài hỗ trợ cây giống, công ty còn hỗ trợ người dân toàn bộ chi phí thiết kế kỹ thuật và cử cán bộ phối hợp UBND các xã, trưởng các thôn, bản tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy. Anh Vũ Văn Xuân, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết, vụ trồng rừng năm 2017, gia đình được Công ty cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa hỗ trợ hơn 20 nghìn cây keo giống trị giá hơn 23 triệu đồng để trồng chín héc-ta rừng. Do nguồn cây giống bảo đảm, được trồng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần một năm, toàn bộ chín héc-ta rừng của gia đình đang phát triển tốt…
Ngoài chương trình hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người trồng rừng, những năm qua, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện nhiều hình thức liên doanh, liên kết với công nhân, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong đó có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình đang có hơn 1.250 ha rừng liên kết với công nhân và các hộ dân ở địa bàn sáu xã của huyện Yên Sơn. Ðây là một trong năm công ty đang thực hiện mô hình liên kết với người dân trồng rừng… Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang Triệu Ðăng Khoa cho biết, lợi ích của việc liên kết giữa các nhóm hộ, hộ gia đình với các công ty mang lại nhiều lợi ích. Trước đây, chỉ có một đơn vị thu mua, cho nên người dân không có sự lựa chọn. Hiện nay, khi thực hiện liên kết theo chuỗi đã có nhiều sự lựa chọn, đem lại hiệu quả kinh tế mà người dân được hưởng lợi đầu tiên…
Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng cao, luôn duy trì ở mức hơn 60%. Năm 2017, toàn tỉnh Tuyên Quang có 9.750 ha rừng trồng đến tuổi khai thác với sản lượng đạt hơn 844.000 m3. Kinh tế rừng đang dần khẳng định được vai trò và thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân Tuyên Quang. Chính sách hỗ trợ cây giống trồng rừng và liên doanh, liên kết trồng rừng giữa công ty và người dân đã góp thêm động lực để người dân gắn bó lâu dài, bền vững với rừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()