Hiệu quả từ giao khoán rừng cho cộng đồng, người dân
LSO-Những năm gần đây, rừng đặc dụng Hữu Liên trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng. Để đạt được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên trong thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản, còn có sự đóng góp không nhỏ từ các tổ quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Các thành viên tổ QLBVR tuần rừng tại xã Yên Thịnh
Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích hơn 8.000 ha, trong đó có 7.100 ha thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ. Tại đây, hoạt động quản lý được phụ trách bởi Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên (người dân thường gọi là Ban Hữu Liên). Hiện nay, thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, có 11 cộng đồng thôn với 60 hộ tham gia (được chia thành 4 tổ thường trực) nhận QLBVR rừng đặc dụng Hữu Liên. Các hộ này thường sống tại khu vực cửa rừng, có nhiệm vụ kiểm tra, tuần rừng thường xuyên.
Tổ QLBVR thôn Tân Lai, xã Hữu Liên là một trong những tổ thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng. Hiện nay, tổ bảo vệ hơn 500 ha rừng đặc dụng. Ông Hoàng Quốc Toản, trưởng thôn Tân Lai kiêm Tổ trưởng Tổ QLBVR cho biết: Tổ chúng tôi gồm 20 thành viên, đều là người dân trong thôn. Mỗi tuần, chúng tôi đều phối hợp với Ban Hữu Liên đi tuần 2 lần. Vào thời điểm nguy cơ cháy rừng cao hoặc có tin trình báo nguy cơ vi phạm, chúng tôi trực trong rừng luôn. Khi phát hiện vi phạm, tổ sẽ thu giữ phương tiện và báo cáo lực lượng chức năng để xử lý. Ngoài ra, tổ thường xuyên ghi chép, theo dõi tình hình rừng, nhắc nhở và cùng người dân dọn dẹp rừng, phát đường băng cản lửa…
Không chỉ thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, các tổ QLBVR Hữu Liên còn liên tục phối hợp với Ban Hữu Liên vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Đến nay, các tổ và Ban Hữu Liên đã vận động được 1.671 hộ sinh sống gần rừng tham gia ký cam kết. Đồng thời, hằng tuần, các tổ đều xuống các thôn bản, vào từng nhà dân tuyên truyền. Ông Hoàng Văn Thống, Trưởng thôn Diễn, xã Yên Thịnh cho biết: Khi đi tuần rừng, mỗi lần gặp người dân, tổ thường ngồi trò chuyện cùng họ, khuyên họ không được chặt phá rừng, săn bắn thú rừng… Rồi người dân lại về tuyên truyền cho gia đình, làng xóm. Ở rừng Hữu Liên, mỗi người dân cũng như một tuyên truyền viên vậy.
Được biết, mỗi gia đình tham gia tổ QLBVR có thể nhận bảo vệ tối đa 30 ha và nhận được tiền bảo vệ 400.000 đồng/ha/ năm. Đặc biệt, năm 2019, các cộng đồng thôn thực hiện tốt các chỉ tiêu về bảo vệ rừng đã được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng/thôn/năm để tu sửa đường giao thông, nhà văn hóa, đường điện… của thôn. Nhờ đó, người dân trong thôn có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế. Thấy được lợi ích của giao khoán bảo vệ rừng, các tổ QLBVR đều thi đua làm tốt công tác bảo vệ rừng. Bởi mỗi năm, các tổ đều được kiện toàn, được nghiệm thu bởi Ban Hữu Liên và UBND xã. Tổ nào thực hiện không tốt, để xảy ra vi phạm nhiều sẽ không được tham gia bảo vệ rừng nữa. Nhờ thế, tổ nào cũng thực hiện nghiêm túc, không dám lơ là công việc.
Nhờ các tổ QLBVR của thôn bản thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ còn xảy ra 6 vụ vi phạm nhỏ lẻ (chủ yếu là phát rừng làm rẫy), giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Từ những kết quả đó, có thể thấy: Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã thực hiện rất hiệu quả chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, người dân. Còn với người dân, khác với nhiều năm trước, giờ đây họ đã hiểu được quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, đã biết quý rừng và phát triển kinh tế từ rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Cấp, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Các tổ QLBVR sau khi nhận giao khoán bảo vệ rừng đã phát huy tốt vai trò, nhờ đó, công tác bảo vệ rừng đặc dụng Hữu Liên trong thời gian qua được đảm bảo. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ QLBVR để nắm tình hình sâu sát. Đồng thời đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.
Ý kiến ()