Hiệu quả từ giáo dục kỉ luật tích cực
– Giáo dục kỷ luật tích cực (GDKLTC) được ngành giáo dục tỉnh triển khai đồng bộ từ năm học 2010 – 2011. Phương pháp này đã cho thấy rõ tính ưu việt, phù hợp với nguyên tắc giáo dục và hiện đã trở thành một phương pháp giáo dục quan trọng, được triển khai rộng rãi trong các nhà trường, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao của xã hội.
Phương pháp GDKLTC là biện pháp giáo dục học sinh không sử dụng các hình thức trừng phạt như: nhắc nhở, ghi học bạ, buộc nghỉ học có thời hạn, nêu tên trước toàn trường… những hình thức trên có thể giúp mang lại sự sửa đổi tức thì của trẻ, nhưng đó chỉ là hình thức đối phó và chắc chắn sẽ để lại sự tổn thương, làm cho các em cảm thấy xấu hổ, tự ti, mặc cảm, thậm chí sẽ có tác dụng ngược, gây nên tâm lý chống đối của học sinh. Để giúp các em thay đổi ý thức, giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách tốt đẹp, nhà trường nói chung và thầy, cô giáo nói riêng trên địa bàn đã và đang thay đổi cách giáo dục, sử dụng những hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp, chủ yếu là động viên, khuyến khích, hỗ trợ khi các em mắc lỗi và tạo lòng tin của học sinh vào giáo viên.
Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực được cô, trò Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đánh giá cao trong công tác giáo dục học sinh
Để đưa phương pháp GDKLTC vào các nhà trường và trở thành nền nếp, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch cụ thể, ban hành các văn bản chỉ đạo các trường thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác giáo dục học sinh, chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức GDKL học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ, chú trọng nâng cao kỹ năng sống cho học sinh thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động văn nghệ, thể thao…
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao, bồi dưỡng kiến thức về phương pháp GDKLTC, tâm lý lứa tuổi học sinh, phương pháp sư phạm cho cán bộ, giáo viên, hằng năm, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn phương pháp GDKLTC lồng ghép với tâm lý học đường, với nội dung chủ yếu như: thay đổi cách ứng xử trong lớp học; quan tâm đến những khó khăn của học sinh; tăng cường sự tham gia của học sinh trong xây dựng nội quy lớp học… Qua đó, mỗi cán bộ, giáo viên, tùy vào tình hình thực tế, đối tượng học sinh cần biết áp dụng những phương pháp giáo dục hợp lý, để học sinh vừa nhận ra lỗi của mình nhưng vẫn tạo cho các em sự tin tưởng để có thể bộc bạch những suy nghĩ của bản thân, không thấy mặc cảm, tự ti.
Cô Hoàng Thị Kim, giáo viên Trường THCS Vĩnh Trại cho biết: Trước đây, hình thức kỷ luật học sinh không phù hợp sẽ làm cho các em xấu hổ, mặc cảm, gây tổn thương về mặt tâm lý… Vì thế, mỗi khi học sinh mắc lỗi, tôi thường tìm hiểu kỹ lý do, áp dụng phương pháp GDKLTC phù hợp như: đưa ra những lời khuyên phù hợp để gúp các em sự chọn lựa, quy định những nguyên tắc, mục tiêu với học sinh trong lớp từ đầu năm học, giữ lập trường trung lập nếu có xích mích giữa học sinh… Từ đó, các em biết kiểm soát chính mình, hòa đồng với bạn bè, phân biệt được đúng sai, tích cực học tập, khắc phục được những nhược điểm các em vi phạm.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, Sở GD&ĐT đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho 100% lãnh đạo các trường nắm chắc phương pháp GDKLTC; giai đoạn 2015 – 2020, các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán về tư vấn tâm lý học đường lồng ghép với phương pháp GDKLTC. Qua đó, trung bình mỗi năm, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt đều tăng 2%/năm (Năm học 2011- 2012: cấp THCS: khá, tốt: 96,59%, cấp THPT: khá, tốt: 93,83%. Năm học 2019-2020: cấp THCS: khá, tốt: 99,18%, cấp THPT: khá, tốt: 97,5%).
Bà Dương Thị Tâm, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc cho biết: Từ năm học 2011 – 2012 đến nay, phòng đã triển khai rộng rãi phương pháp GDKLTC từ cấp tiểu học đến cấp THCS. Bên cạnh việc chọn cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về phương pháp KLTC do Bộ, Sở GD&ÐT tổ chức, phòng chỉ đạo các trường lồng ghép nội dung GDKLTC trong các hội nghị giao ban, các đợt kiểm tra việc thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…
Bất kỳ phương pháp kỷ luật nào trong nhà trường cũng có “điểm yếu”, khi học sinh mắc lỗi, giáo viên cần phải là bạn, là anh, là chị, người mẹ, người cha chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh. Đặc biệt, trong các nhà trường thường đặt ra những tình huống học sinh vi phạm nội quy để giáo viên giải quyết theo phương pháp GDKLTC, việc đánh giá, nhắc nhở, khen thưởng học sinh là công tác sát thực tế, gần gũi với các em nhất, từ đó, xây dựng sự tự tin và lòng ham thích học tập của các em.
Em Hoàng Thùy Dung, học sinh lớp 9A5, Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Em thấy phương pháp GDKLTC rất phù hợp với lứa tuổi của chúng em. Mỗi khi chúng em mắc khuyết điểm, các thầy cô không la mắng, nêu tên trước toàn trường mà luôn chia sẻ, động viên để chúng em cảm thấy tự tin chia sẻ, thổ lộ những tâm tư, tình cảm của mình.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hiện nay phương pháp này đã thành nền nếp trong các nhà trường. GDKLTC mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, giáo viên, nhà trường, phụ huynh và cộng đồng, giúp học sinh không cảm thấy bị xúc phạm dẫn đến chán nản, bỏ học, giúp các em nhận ra lỗi của mình và hòa nhập với tập thể, tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh, học sinh và học sinh. Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai GDKLTC trong các nhà trường; thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về tâm lý lứa tuổi, phương pháp tư vấn tâm lý học đường… trên cơ sở giáo viên giúp học sinh tự giác nhận ra được những khuyết điểm để sửa chữa
Ý kiến ()