Hiệu quả từ dự án phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam ở cộng đồng tại Thái Bình
Sau 5 năm triển khai dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã giúp hàng ngàn nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Sau 5 năm triển khai dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã giúp hàng ngàn nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Dự án này do Bộ Y tế và Đại học Y tế công cộng phối hợp thực hiện.
Theo thống kê huyện Quỳnh Phụ có số người nhiễm chất độc gia cam nhiều nhất tỉnh Thái Bình với trên 8.300 nạn nhân; trong đó, hơn 6.300 người là đối tượng trực tiếp, 2.000 người là thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng. Nhiều nạn nhân trực tiếp nhiễm chất độc da cam là thương binh, bệnh binh đã mất 81% sức khỏe, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy năm 2008, huyện Quỳnh Phụ là một trong 3 huyện của cả nước (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi và huyện Long Thành, Đồng Nai) được chọn làm thí điểm dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Bác sĩ Đặng Đức Tố, Trưởng phòng Y tế huyện Quỳnh Phụ cho biết ngay khi dự án được đưa về địa phương, huyện đã xây dựng hệ thống cộng tác viên tại 38 xã, thị trấn của huyện. Đến nay, đã có gần 230 người là cộng tác viên của dự án. Họ đa phần là những cán bộ y tế cơ sở nên rất thuận tiện trong việc theo dõi tình hình sức khỏe của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn quản lý. Trung bình mỗi cộng tác viên phụ trách luyện tập thường xuyên cho từ 15 – 20 người khuyết tật, nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Ngoài việc giúp đỡ các nạn nhân luyện tập phục hồi chức năng, các cộng tác viên của dự án còn tuyên truyền, tư vấn về phòng tránh tai nạn thương tích và hướng dẫn nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật cùng người thân trong gia đình họ thường xuyên tập luyện, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe. Vì vậy, hệ thống cộng tác viên được coi là yếu tố quan trọng nhất trong dự án mang tính nhân văn, nhân đạo này.
Từ năm 2008 đến nay, tính trung bình mỗi năm có từ 3.300 – 3.500 người thường xuyên được hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng tại gia đình; trong đó, có hơn 300 người là nạn nhân chất độc da cam. Sau thời gian kiên trì tập luyện, đến nay toàn huyện đã có gần 1.400 người ra diện phục hồi chức năng hòa nhập cộng đồng (trong đó nạn nhân da cam là 61 người), tỷ lệ người có chuyển biến tốt lên đến hơn 60%. Đây là kết quả phục hồi chức năng cao nhất từ trước tới nay mà Quỳnh Phụ đạt được.
Qua khảo sát mỗi năm trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có thêm khoảng 150 người khuyết tật mới, nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn thương tích và bệnh tật. Vì vậy, dự án đã mở rộng đối tượng được phục hồi chức năng đến người khuyết tật trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh Thái Bình hiện có hơn 34.000 người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin; trong đó, có hơn 3.000 người là nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai . Hiện mới chỉ có 21000 người được hưởng chế độ trợ cấp da cam thường xuyên. Vì thế việc cải thiện sức khỏe, giúp họ tái cộng đồng, nuôi sống bản thân là giải pháp được chú trọng hơn cả. Năm 2013 là năm cuối cùng của dự án, song đây mới chỉ là bước khởi đầu cho quá trình phục hồi chức năng lâu dài của nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Với hệ thống cộng tác viên như hiện nay và quá trình tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” về những kiến thức cơ bản chăm sóc, tập luyện đến bản thân nạn nhân da cam và gia đình của họ thì sau khi dự án kết thúc, việc phục hồi chức năng đã trở thành nhu cầu và thói quen của các đối tượng là nạn nhân da cam, người khuyết tật.
Trong thời gian tới, từ mô hình của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình sẽ mở rộng sang các 7 huyện, thành phố còn lại, mang đến cho nạn nhân da cam và người khuyết tật cơ hội được cải thiện sức khỏe.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()