Hiệu quả từ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất
LSO-Từ việc tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, đời sống của nhiều hộ dân xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn.
Người dân thôn Quảng Trung 1 (thành viên tổ hợp tác nuôi ong xã Quảng Lạc) kiểm tra sinh trưởng đàn ong mật của gia đình |
Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, nhưng mô hình tổ hợp tác nuôi ong lấy mật với 9 thành viên ở 3 thôn Quảng Trung 1, Quảng Hồng 1, Quảng Hồng 2 của xã Quảng Lạc đã phát triển nhanh chóng. Thay vì mỗi hộ phải tự nuôi, tự mày mò, xoay xở vốn, tìm thị trường, thì khi tham gia vào tổ hợp tác, các hộ đã có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Ông Hoàng Văn Khuynh, tổ trưởng cho biết: Với sự tương trợ lẫn nhau của các thành viên cộng với sự hỗ trợ của nhà nước, mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp tác hiện đang phát triển ổn định. Thời điểm mới thành lập, tổ hợp tác mới chỉ có tổng cộng 111 tổ ong, thì hiện nay tổng đàn đã tăng lên 305 tổ. Dự kiến năm 2016 thu được khoảng 2,5 tấn mật ong, tương đương 552 triệu đồng. Thời gian tới, tổ hợp tác phát triển từ 9 hội viên lên 15 hội viên; nhân rộng từ 305 tổ lên 650 tổ ong.
Tương tự như vậy, tổ hợp tác trồng cây dẻ trên địa bàn xã cũng đã cho thấy những ưu điểm rõ rệt trong việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Ban đầu, trên địa bàn chỉ có 1.500 cây với diện tích 2,5 ha. Trừ chi phí, trung bình thu nhập từ dẻ được 200 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình, tổ hợp tác đã được thành lập và thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển cây dẻ. Đồng thời, tổ hợp tác cũng đứng lên để tổ chức sản xuất, phối hợp bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, tổ đã tạo giống trực tiếp được 35.000 cây giống với hình thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Năm 2016, thành phố hỗ trợ 6.000 cây giống cho 33 hộ gia đình tham gia với diện tích 15,2 ha. Đồng thời hợp tác xã An Sơn (nằm trên địa bàn xã Quảng Lạc) nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ trồng.
Cùng với 2 mô hình kinh tế hợp tác nêu trên, những mô hình kinh tế hợp tác khác trên địa bàn xã Quảng Lạc cũng đã tạo ra những mô hình sản xuất mới phù hợp, hiệu quả như tổ hợp tác nuôi dê ở thôn Quảng Liên 2, Quảng Liên 3, Quảng Trung 2; tổ hợp tác trồng rau; hợp tác xã nông nghiệp An Sơn với mô hình sản xuất kết hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác khác. Ông Chu Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thấy được vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc đổi mới hình thức sản xuất, hằng năm, xã thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia kinh tế hợp tác. Hoạt động hiệu quả, các mô hình kinh tế hợp tác đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Ví dụ như gia đình chị Hoàng Thị Thủy, thôn Quảng Trung II thu nhập từ vườn hạt dẻ 200 triệu đồng/năm; gia đình anh Vy Đức Thuận mô hình vườn, rừng, sản xuất gạch bê tông thu nhập 150 triệu đồng/năm… Qua đó mức sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của xã đạt 22,23 triệu đồng, gấp 2,78 lần so với năm 2011.
Từ hiệu quả của các mô hình kinh tế hợp tác, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đưa cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác có thêm điều kiện phát triển. Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của xã.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()