Hiệu quả từ đồ dùng dạy học tự làm
(LSO) – Thời gian qua, đã có nhiều ý tưởng và các bộ thiết bị dạy học được giáo viên cải tiến, sáng tạo với nhiều mô hình hay, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh thêm yêu thích và hứng thú với môn học.
Nhằm tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến các đồ dùng, thiết bị dạy học, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị, trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Các đơn vị quán triệt, triển khai kế hoạch, tổ chức cho giáo viên đăng ký và định hướng những thiết bị có thể cải tiến, cần sửa chữa, cần làm cho từng tổ, nhóm chuyên môn và mỗi giáo viên. Nhiều đồ dùng có sự đầu tư nên có tác dụng rèn luyện kỹ năng, mang tính giáo dục cao, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh.
Giáo viên tham quan các mô hình đồ dùng học tập tự làm tại cuộc thi giáo viên giỏi THPT cấp tỉnh 2018
Đơn cử, thầy giáo Nông Ngọc Linh, giáo viên tin học Trường THPT Bình Gia đã tận dụng những bộ phận của chiếc máy tính đã hỏng, gắn chúng lên tấm bảng gỗ, sắp xếp và chú thích cho từng bộ phận tạo thành bộ đồ dùng thiết bị dạy học trực quan về cấu tạo máy tính. Thầy Linh cho biết: Trong quá trình giảng dạy, giới thiệu về máy tính mà chỉ giảng và giới thiệu cấu trúc máy theo lý thuyết thì quá trừu tượng và học sinh khó hình dung, bởi vậy, tôi đã lên ý tưởng và nhặt nhạnh những bộ phận của máy tính cũ, tạo thành bộ dụng cụ dạy học trực quan giúp các em dễ hình dung và bài học trở nên dễ tiếp thu hơn.
Mô hình “Tế bào thực vật và tế bào động vật” của cô giáo Vũ Linh Chi, bộ môn Sinh học Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn được làm từ các miếng xốp, thùng xốp bỏ đi, khéo léo cắt gọt, tạo hình và sơn màu. Ưu điểm của bộ đồ dùng là rất nhẹ, dễ dàng di chuyển lên lớp, dễ di chuyển trong nhóm; một bộ có thể dùng cho tất cả học sinh trong nhóm, “Với mô hình dạy học sinh động, màu sắc hài hòa, đẹp mắt, sẽ thu hút sự chú ý, theo dõi của học sinh khi giáo viên dạy bài” – Cô Chi chia sẻ.
Được biết, trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT các môn khoa học tự nhiên cấp tỉnh năm học 2018 – 2019, có 136 sản phẩm đồ dùng dạy học được các giáo viên giới thiệu, trong đó 75 sản phẩm được đánh giá có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, dễ làm, dễ sử dụng, ít tốn kém kinh phí, có thể phổ biến rộng rãi trong hoạt động giảng dạy. Những thiết bị dạy học tự làm này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh. Đồng thời, khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề, định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành.
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sự đa dạng, hấp dẫn về hình thức, chất lượng, có tính thẩm mỹ, giáo dục cao của các đồ dùng dạy học tự làm đã khiến các tiết học trở nên sinh động và hiệu quả. Trong khi đó, chi phí để các thầy cô tạo nên những bộ đồ dùng dạy học có thể nói rất rẻ bởi hầu như vật liệu đều từ phế phẩm nhưng “gói ghém” trong những sản phẩm giáo dục đó là công sức, sự sáng tạo và trăn trở của thầy cô đối với việc truyền đạt kiến thức sao cho dễ hiểu, sinh động đến với học trò. Qua đó, góp phần tạo sự phong phú cho bài giảng, giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học và giúp phát triển trí tưởng tượng, tư duy phù hợp với lứa tuổi.
Ý kiến ()