Hiệu quả từ dạy nghề theo nhu cầu
LSO-Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh gắn với nhu cầu, nguyện vọng của người học và đặc thù đời sống, lĩnh vực sản xuất của địa phương được triển khai đã có những chuyển biến tích cực, từ đó có nhiều mô hình hay, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chăn nuôi lợn thịt cho hiệu quả kinh tế cao
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các lớp đào tạo nghề của 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đã đáp ứng được nguyện vọng học nghề của nhiều lao động, tạo cơ hội cho người lao động sau khi học nghề có thể tự tạo việc làm, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa.
Tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, nguồn thu nhập chính của người dân là từ trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, do người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ nhu cầu thực tế đó, nhiều hộ dân của xã Gia Cát đã đăng ký tham gia học các lớp nghề về nông nghiệp như: lớp chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi gà thịt do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (Trung tâm GDNN-GDTX) huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức.
Bà Dương Thị Linh, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát là một trong những hộ đã có hơn 10 năm nuôi lợn thịt để bán, nhưng trước năm 2018, do gia đình chăn nuôi theo cách thủ công truyền thống, chỉ nấu rau với cám nên năng suất không cao. Sau khi được tham gia lớp học về chăn nuôi lợn thịt vào năm 2018 do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức, bà đã biết cách chăn nuôi khoa học hơn, cho năng suất cao hơn. Bà Linh chia sẻ: Nhờ được tham gia lớp học, tôi mới biết đến phương pháp ủ men vi sinh để chăn nuôi lợn, từ đó tiết kiệm được chi phí, thời gian. Tôi luôn duy trì nuôi một con lợn nái, cho sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa trên 10 con. Nếu chăn nuôi bằng phương pháp cũ thì phải từ 7 đến 8 tháng, lợn mới được xuất bán. Với phương pháp mới thì chỉ cần từ 4 đến 5 tháng là lợn đã có thể xuất bán, mỗi năm tôi, xuất bán trên 2 tấn lợn thịt, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Ngoài bà Linh, nhiều bà con trên địa bàn huyện Cao Lộc đã tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp, từ đó phát triển nhiều mô hình kinh tế, đem lại việc làm và tăng thu nhập. Trao đổi về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã tổ chức đào tạo cho trên 1.400 học viên về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, kỹ thuật trồng hồng. Sau khi tốt nghiệp khóa học, 70 – 80% học viên có việc làm hoặc tự tạo được việc làm, có trên 890 lao động có việc làm đạt thu nhập khá, trên 150 lao động thoát nghèo.
Không chỉ huyện Cao Lộc, thời gian qua, thành phố Lạng Sơn, các huyện như: Bắc Sơn, Hữu Lũng đều thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 92 nghìn lao động, trong đó, trên 53 nghìn lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp. Sau đào tạo, trên 70% số lao động có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm. Nhiều lao động đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, qua đó nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian, có việc làm và tăng thu nhập. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 35% (năm 2011) lên 52,5% (năm 2019).
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng học nghề của người dân, gắn với đặc thù đời sống, lĩnh vực sản xuất của địa phương để tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của việc học nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp, cân đối tỷ lệ ngành nghề đào tạo trên địa bàn tỉnh, tăng tỷ lệ đào tạo các nghề thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
NGỌC MAI
Ý kiến ()