Hiệu quả từ công tác phổ cập, phân luồng học sinh
Học sinh Trường Tiểu học xã Y Tịch, huyện Chi Lăng hoạt động ngoài giờ lên lớp |
Với chủ trương ưu tiên phát triển giáo dục vùng khó theo tinh thần Chỉ thị số 10, Đình Lập đã nỗ lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi và đạt kết quả tích cực chỉ sau 4 năm thực hiện. Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Đến tháng 9/2015, tất cả 12 đơn vị xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập. Trong đó, nhiều tiêu chuẩn phổ cập như: phòng học, thiết bị, đội ngũ giáo viên và tiêu chuẩn trẻ em đều đạt theo quy định. Trong đó, tiêu chuẩn trẻ em đạt rất cao như: huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; tỷ lệ bán trú 2 buổi/ngày, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN đều đạt 100%; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 98,8%. Ngay sau khi đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT cũng đã đánh giá cao kết quả đạt được của huyện về công tác này.
Là đơn vị tiêu biểu trong ngành GD&ĐT, Phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn luôn nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng, nhất là việc hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và 8/8 phường, xã đạt chuẩn và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và chuẩn phổ cập THCS… Ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 10 là động lực để ngành GD&ĐT thành phố có thêm được những kết quả khả quan trong các cấp học, xứng đáng với kỳ vọng của người dân trên địa bàn.
Để thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị số 10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, xây dựng đề án để chỉ đạo, triển khai thực hiện trong toàn ngành GD&ĐT và công tác phổ cập giáo dục được đưa vào nhiệm vụ, mục tiêu của nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo kiện toàn ban chỉ đạo đổi mới GD&ĐT từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Hằng năm, ban chỉ đạo các cấp đều thành lập các đoàn kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, kết hợp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học, hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng… Việc kiểm tra phổ cập giáo dục được thực hiện đến tận xã, phường, thị trấn, kịp thời tư vấn, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện…
Thực tế, nhờ quyết tâm cao từ tỉnh đến cơ sở nên các nhiệm vụ và giải pháp đã được quán triệt trong Chỉ thị số 10 đã cơ bản được thực hiện đồng bộ và có kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật nhất là cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 11/11 huyện, thành phố với 221/226 xã hoàn thành và duy trì phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tăng 195 xã so với năm 2011. Bên cạnh đó, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người dân có những chuyển biến đáng kể. Hiện toàn tỉnh duy trì kết quả phổ cập đối với 100% đơn vị cấp xã, huyện. Đến năm 2015, duy trì 226/226 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1, trong đó có 101 xã đạt chuẩn mức độ 2. Đồng thời duy trì phổ cập giáo dục THCS ở tất cả các xã trên địa bàn. Hằng năm có từ 8-10% học sinh tốt nghiệp THCS được học chương trình bổ túc THPT kết hợp với học trung cấp nghề góp phần phân luồng học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 10, song trên những kết quả đạt được, toàn ngành phấn đấu đến năm 2021, huy động được 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề; duy trì và củng cố phổ cập ở các cấp học; 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi biết chữ đạt 97%.
Ý kiến ()