LSO- Thời gian gần đây, huyện Lộc Bình đạt hiệu quả cao trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Bên cạnh nguồn kinh phí dồi dào thì việc mở rộng các hình thức tuyên truyền đóng vai trò quan trọng đem lại thành công này.
Sinh hoạt mô hình “ngày pháp luật” của ngành giáo dục- đào tạo huyện Lộc Bình
Khác với những năm trước, việc tuyên truyền PBGDPL đến cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và nhân dân bằng tổ chức hội nghị lồng ghép, thông qua tủ sách pháp luật thì từ đầu năm nay, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lộc Bình đã mở rộng các hình thức PBGDPL như phối hợp phát sóng các luật, bộ luật trên hệ thống truyền thanh, truyền hình (TT-TH) từ huyện đến xã; tổ chức “Ngày pháp luật”; phát hành tài liệu; cuộc thi tự luận, thực nghiệm và nhận thức về Luật Dân quân tự vệ… 6 tháng đầu năm 2012, đơn vị đã tổ chức được 9 cuộc tuyên truyền miệng; 357 cuộc tuyên truyền trên sóng TT-TH; phát miễn phí 15 băng đĩa, 113 sách, tài liệu và tờ rơi về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Biên giới Quốc gia, Luật An toàn giao thông và các chính pháp luật về phòng chống tham nhũng, phòng chống cháy rừng… Nhờ đó, trong đơn vị không có vụ việc vi phạm kỷ luật; cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ theo chức trách ngày càng tốt hơn; chỉ tiêu tuyển quân luôn đạt yêu cầu trên giao.
Ban CHQS chỉ là một trong nhiều đơn vị, cơ sở của huyện Lộc Bình thực hiện tốt việc PBGDPL thời gian gần đây. Trên địa bàn, mỗi đơn vị còn có một hoặc nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như ngành giáo dục, đào tạo với các hình thức tuyên truyền: miệng, biên soạn và phát hành tài liệu, giảng dạy pháp luật trong các chương trình chính khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, xây dựng tủ sách pháp luật, tổ chức các chương trình văn nghệ, cuộc thi (vẽ tranh, thi viết) về Luật An toàn giao thông, Luật Biên giới Quốc gia, Luật phòng chống ma túy, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em đến cán bộ, giáo viên, học sinh. Ban An toàn giao thông huyện thì tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, đường sắt trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trên các tuyến đường chính, khu dân cư; qua phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”; lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp phát tờ rơi cảnh báo tai nạn trên các điểm đen cho lái xe ngoại tỉnh… Qua tổng hợp, từ năm 2011 đến nay, Lộc Bình có trên 10 hình thức PBGDPL đem lại hiệu quả. Ngoài một số hình thức đã thực hiện từ những năm trước như tuyên truyền miệng, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tủ sách pháp luật, phát hành tài liệu, hòa giải ở cơ sở, phiên tòa lưu động thì một số hình thức phổ biến mới như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giáo dục pháp luật trong nhà trường, sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật – trợ giúp pháp lý, mô hình “Ngày pháp luật” được thực hiện sôi nổi. Từ các hình thức này, số lượt phổ biến, số lượng người được hiểu biết về pháp luật trên địa bàn ngày càng tăng. Từ năm 2011 đến nay, các ngành, các cấp ở Lộc Bình đã tổ chức trên 6.400 cuộc tuyên truyền miệng đến trên 344.000 lượt người nghe; 15 cuộc thi viết, thi vẽ tranh thu hút trên 15.000 lượt người tham gia; phát sóng gần 500 buổi TT-TH với 297 tin, bài, tài liệu; phát 6.400 tờ rơi, áp phích, tài liệu liên quan đến pháp luật; ra mắt 29 câu lạc bộ pháp luật – trợ giúp pháp lý tại 29 xã, thị trấn; xây dựng mô hình “Ngày pháp luật” tại 54 cơ quan, đơn vị, địa phương…
Bà Hoàng Hồng Điệp – Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lộc Bình khẳng định: bên cạnh nguồn kinh phí được cấp cho công tác tuyên truyền, PBGDPL (năm 2011: 265 triệu đồng, năm 2012: 693 triệu đồng) thì việc tăng cường, mở rộng các hình thức phổ biến là rất quan trọng, Lộc Bình thực hiện thành công cách làm này gần 2 năm nay. Việc mở rộng hình thức phổ biến được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các cấp, các ngành trong huyện. Chính vì vậy, ở mỗi đơn vị, địa phương có cách phổ biến riêng phù hợp với từng đối tượng nên hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL đạt cao. Một số ngành, địa phương làm tốt công tác này là: giáo dục – đào tạo, văn hóa – thông tin, mặt trận tổ quốc, quân sự, Ban An toàn giao thông và hội đồng PBGDPL các xã: Tú Đoạn, Lợi Bác, Tĩnh Bắc, Hữu Lân, thị trấn Lộc Bình. Từ hình thức phổ biến phong phú, đúng đối tượng mà ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân nâng lên rõ rệt, thể hiện ở chỗ nhân dân tích cực đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật; tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước; đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật; số vụ việc, mâu thuẫn, xích mích trong nhân dân giảm đáng kể năm 2010: 542 vụ, năm 2011 chỉ còn 206 vụ.
Ý kiến ()