Hiệu quả từ công tác phản biện chính quyền
LSO-“Doanh nghiệp cần tích cực phản biện các cơ chế, chính sách mà chính quyền đưa ra, từ đó hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh ngày càng hiệu quả, tạo sự kết nối hơn nữa giữa chính quyền – doanh nghiệp…”, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2017.
Đại diện doanh nghiệp đưa ra ý kiến tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 |
Tính đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh có 2.470 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với số vốn điều lệ hơn 16 nghìn tỷ đồng. Với sự đồng hành từ chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp đã dần vượt qua những khó khăn, ổn định và phát triển.
Sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp được thể hiện rõ nét trong quá trình tiếp thu, xử lý những phản biện từ phía doanh nghiệp. Như tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, bên cạnh những ý kiến kiến nghị về khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã chủ động phản biện một số nội dung các cơ chế, chính sách đã được ban hành nhưng có nhiều điểm không phù hợp như: quy định kho bãi đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất; bổ sung danh mục hàng nông sản nhập khẩu; áp dụng đơn giá tham chiếu để xác định tính thuế cho ô tô; hỗ trợ mặt bằng đầu tư nhà xưởng…
Tất cả các vấn đề doanh nghiệp đưa ra đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động xử lý thấu đáo. Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những kiến nghị, phản biện của doanh nghiệp tại hội nghị gặp mặt đầu năm đều đã được giải quyết và công bố công khai tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng vừa qua. Điển hình như Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại tổng hợp A&Q đã phản biện về việc liên quan đến quy định “buộc các doanh nghiệp có hàng tạm nhập tái xuất phải có kho bãi” theo Thông tư 05, ngày 27/1/2014 của Bộ Công thương. Qua xem xét, Sở Công thương đã gửi văn bản kiến nghị với Bộ Công thương. Đến nay, Bộ Công thương đang triển khai dự thảo sửa đổi, thay thế Thông tư 05 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Cùng với việc tiếp thu, xem xét những vấn đề phản biện từ các doanh nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, coi đây là kênh phản biện, cung cấp thông tin, kiến nghị tích cực từ phía doanh nghiệp. Qua đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Từ năm 2016 đến nay, qua nghiên cứu thực tế và những ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp đã tham gia phản biện một số cơ chế, chính sách do UBND tỉnh ban hành như: chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ chế liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh bến bãi khu vực cửa khẩu…
Qua đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng giữa ngân hàng – doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập Quỹ Đầu tư và Phát triển để đảm bảo quy trình quản lý cũng như hoạt động hiệu quả của quỹ. Đặc biệt tỉnh đã giao cho các ngành liên quan xem xét tham mưu triển khai chương trình “Chính quyền bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án đầu tư phát triển của tỉnh”.
Ông Phùng Quang Hội, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát huy vai trò phản biện, tỉnh đã duy trì đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh về quy định hành chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đồng thời thành lập và công khai đường dây nóng trên website các sở, ngành để doanh nghiệp có thể kiến nghị, phản biện những quy định bất hợp lý trong quá trình tiếp cận dịch vụ công. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai và thái độ cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ.
ANH DŨNG
Ý kiến ()