Hiệu quả từ công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho sinh viên, học sinh
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (GD QP, AN). Từ đó giúp sinh viên, học sinh trong việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia, rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, tinh thần đồng đội, trách nhiệm cho học sinh, sinh viên.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước; có 80 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), với số lượng sinh viên là 516 nghìn người, hằng năm có khoảng 125 nghìn sinh viên theo học môn GD QP, AN.
Để đáp ứng nhu cầu trên, hiện TP Hồ Chí Minh có 12 cơ sở GD QP, AN, trong đó có ba cơ sở đào tạo số lượng lớn là Trung tâm GD QP, AN sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm GD QP, AN sinh viên thuộc Trường Quân sự Quân khu 7, Khoa Giáo dục Quốc phòng của Trường đại học Trần Đại Nghĩa. Bên cạnh các Khoa Quân sự đã giảng dạy, đào tạo qua nhiều năm của các trường đại học: Y Dược, Sư phạm, Trần Đại Nghĩa, thì gần đây nhiều khoa, bộ môn quân sự tại các trường đại học: Tôn Đức Thắng, Lao động -Thương binh và Xã hội cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động. Trong các cơ sở trên thì Trung tâm GD QP, AN sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được ưu tiên tập trung đầu tư nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác giáo dục quốc phòng; xây dựng hệ thống giảng đường, phòng học, nhà tập, bãi tập học chiến thuật, đầu tư mô hình học cụ, trường bắn “ảo”, máy bắn tập MBT – 03, nhà ăn, ký túc xá,… khá hoàn chỉnh, đồng bộ và tương đối hiện đại. Trung tâm có quy mô giảng dạy, đào tạo lớn nhất cả nước, với khoảng 40 nghìn sinh viên/năm, bình quân mỗi đợt đào tạo (dài khoảng một tháng) có gần 4.000 sinh viên được học tập, rèn luyện tại đây.
Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, toàn bộ giáo án của các giảng viên đều được biên soạn bằng “Bài giảng điện tử” kết hợp các phần mềm giảng dạy của Vụ GD QP, AN, Bộ Giáo dục và Đào tạo; kết hợp giữa phương pháp thuyết trình diễn giải với phương pháp hỏi – đáp – trao đổi nhằm phát huy tốt nhất tính năng động, chủ động của người học. Trong thực hành kỹ năng quân sự, phần lớn các trung tâm giáo dục quốc phòng đều đào tạo, huấn luyện, rèn luyện cho sinh viên nhiều bài tập nhóm đa dạng, phong phú, mang tính hấp dẫn cao, song vẫn bảo đảm hiệu quả trong công tác dạy và học như: những trò chơi bằng súng mô phỏng bằng la-de, điện tử, cảm ứng; các trò chơi quân sự như bắn súng sơn (paintball) – vừa chơi vừa học, qua đó sinh viên vừa được rèn luyện sức khỏe, vừa được rèn luyện kỹ năng cá nhân, kỹ năng phối hợp đội, nhóm…
Hiện tại, phương thức các trường liên kết đưa sinh viên đến học tập trung tại các Trung tâm GD QP, AN vừa bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, rèn luyện sinh viên theo nếp sống chính quy gần với môi trường quân đội và tạo thuận lợi cho các trường trong công tác tổ chức, quản lý sinh viên trong thời gian học tập. Sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã được trang bị những tư duy, lý luận về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, kiến thức, kỹ năng cơ bản về quân sự.
Sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Nguyễn Duyên Anh tâm sự: “Bản thân em và các bạn cùng khóa rất thích học môn GD QP, AN. Học tập môn này giúp chúng em nâng cao nhận thức về QP-AN của đất nước ta trong tình hình mới, qua đó mỗi một sinh viên đều đề ra mục tiêu phấn đấu, xây dựng ý thức trách nhiệm cho bản thân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Còn sinh viên Đỗ Thúy Nga, lớp Dân sự 35B, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh nói, lòng tận tụy dạy dỗ kiến thức của đội ngũ thầy giáo – sĩ quan Quân đội cùng những kỷ luật trong môi trường quân ngũ đã tạo cho em được rèn luyện, huấn luyện tính tổ chức kỷ luật và tạo được nền nếp trong sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài việc thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hằng năm, Sở GD và ĐT thành phố còn nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học, bảo đảm phát huy hiệu quả trong từng bài học đối với bộ môn GD QP, AN. Vào dịp nghỉ giữa khóa hoặc cuối năm, các trường đều tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử nhằm mở rộng kiến thức, làm phong phú thêm hình thức giảng dạy lý thuyết gắn liền thực tiễn; giúp các em học sinh phát huy niềm tự hào truyền thống dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm bản thân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()