Hiệu quả từ Chương trình OCOP ở các tỉnh miền bắc
Hiện nay, khu vực phía bắc đã có hơn 1.200 sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt chất lượng ba sao, bốn sao và năm sao, chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Đây được xem là một lợi thế để các tỉnh miền bắc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế địa phương, từng bước đưa nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện tiêu chí về sản xuất, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Nâng tầm sản phẩm nông sản
Theo Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, hiện cả nước có 1.271 chủ thể đã đăng ký kinh doanh và tổ chức sản xuất theo Chương trình OCOP. Trong đó có 471 hợp tác xã (chiếm 38,6%), 390 doanh nghiệp (chiếm 30,7%), 365 cơ sở sản xuất (chiếm 28,7%), còn lại là các tổ hợp tác đã tổ chức sản xuất 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt ba sao trở lên (đạt 90,4% mục tiêu của chương trình giai đoạn 2018 – 2020), tập trung vào ba nhóm chủ yếu: thực phẩm 1.786 sản phẩm (chiếm 82,3%); nhóm đồ uống 163 sản phẩm (chiếm 7,5%); nhóm lưu niệm nội thất và trang trí 107 sản phẩm (chiếm 4,9%), còn lại là các sản phẩm khác. Số liệu nêu trên cho thấy, hầu hết các sản phẩm đều có tiềm năng lớn để đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Quảng Ninh là địa phương triển khai Chương trình OCOP từ năm 2013, từ chỗ có 48 sản phẩm ban đầu, đến hết năm 2020 toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm đạt từ ba đến năm sao. Theo Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Vũ Thành Long, hiện tại, tỉnh có 175 đơn vị kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tăng gấp gần bốn lần so với năm 2014, với hơn 85% số sản phẩm OCOP được dán tem truy xuất nguồn gốc, cho thấy Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, là giải pháp quan trọng phù hợp khu vực nông thôn.
Triển khai Chương trình OCOP muộn hơn Quảng Ninh 5 năm, song tỉnh Bắc Kạn lại được xem là địa phương thực hiện khá thành công. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có 107 sản phẩm OCOP, bao gồm 99 sản phẩm đạt ba sao và tám sản phẩm đạt bốn sao. Trong đó, phải kể đến các sản phẩm chế biến sâu như: Trịnh Năng Gừng, Trịnh Năng Curcumin, Vicumax – Nano curcumin và 15 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra tỉnh cũng có 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso; chín sản phẩm được ký kết tiêu thụ với trung tâm thương mại Big C – Hà Nội, đồng thời sản phẩm miến dong của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc…
Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Bắc Kạn Hoàng Văn Giáp, so với mục tiêu Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, số lượng sản phẩm OCOP đã vượt 67 sản phẩm, đạt 267,5% kế hoạch. Hiện toàn tỉnh có 90 doanh nghiệp, cá nhân tham gia Chương trình OCOP góp phần đưa nhiều hàng hóa của địa phương trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận.
Cơ hội làm giàu bền vững
Thực tế đã chứng minh, Chương trình OCOP giúp nâng tầm nông sản Việt Nam và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Từ chỗ sản xuất manh mún, thô sơ sang cánh đồng mẫu lớn, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Từ đó, tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh.
Ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất hằng năm đạt từ 500 – 700 tỷ đồng, gia tăng giá trị sản phẩm hơn 30% và tăng về quy mô sản xuất hơn 18%. Theo Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Vũ Thành Long, Chương trình OCOP đã tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp, góp phần nâng mức thu nhập của người dân khu vực nông thôn lên 47 triệu đồng/người/năm, gấp hơn bốn lần so với năm 2010.
Không chỉ có người dân khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh hưởng lợi từ Chương trình OCOP, tại tỉnh Bắc Kạn, theo kết quả thống kê về doanh thu của các chủ thể tham gia chương trình từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện đã có 73% tổ chức tăng doanh thu từ 1,1 – 1,5 lần; 10% tăng doanh thu từ 1,5 – 2 lần; và có 10% tăng doanh thu hơn hai lần. Theo bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan tại thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn), việc tham gia Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho sản phẩm miến dong Tài Hoan được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước và có cơ hội vươn ra thế giới. Hiện HTX Tài Hoan đang sở hữu vùng nguyên liệu lên đến 40 ha, cho sản lượng khoảng 2.400 tấn củ/năm, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 360 hộ dân tộc thiểu số tại năm xã ở huyện Na Rì. Chỉ tính riêng năm 2020, ngoài sản xuất hàng trăm tấn miến dong tiêu thụ trong nước, HTX này đã xuất khẩu 5,3 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc, thu về gần 15 nghìn USD. Nhờ có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương và sự phát triển đúng hướng, hiện HTX Tài Hoan đang mạnh dạn đầu tư khu nhà xưởng mới rộng khoảng hơn 6.000 m2, với hệ thống dây chuyền hiện đại có tổng mức đầu tư khoảng tám tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động sẽ cho công suất khoảng 800 tấn miến/năm, bao tiêu sản phẩm cho khoảng 500 hộ dân với diện tích 70 ha, sản lượng 4.200 đến 4.500 tấn củ/năm.
Hoạt động của HTX chè Hảo Ðạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho thấy rõ hiệu quả từ việc tham gia Chương trình OCOP. HTX đã chủ động xây dựng phương án đầu tư vốn, nâng cấp hai nhà xưởng lên tổng diện tích hơn 2.000 m2, dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi, điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của HTX tăng trưởng đều đặn theo từng năm, trung bình đạt khoảng năm đến sáu tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 đến hai tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 đến 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến sáu triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Từ những mô hình sản xuất nêu trên cho thấy, Chương trình OCOP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; qua đó, đưa việc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Ðánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP tại các tỉnh phía bắc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị, thời gian tới, các địa phương rà soát lại các sản phẩm chủ lực để phát triển thành sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm tới hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP cấp vùng, quốc gia và quốc tế.
Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến hết tháng 10-2020, cả nước đã có 48 trong số 63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, tổng kết Chương trình OCOP. Trong đó, tất cả các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã tổ chức đánh giá, phân hạng; khu vực miền núi phía bắc có 12 trong số 14 tỉnh; khu vực đồng bằng sông Hồng có 10 trong số 11 tỉnh; đồng bằng sông Cửu Long 10 trong số 13 tỉnh, thấp nhất là khu vực Đông Nam Bộ với một trong số sáu tỉnh và duyên hải Nam Trung Bộ bốn trong số tám tỉnh.
Ý kiến ()