Hiệu quả từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
LSO - Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên sản xuất, kinh doanh, năm 2016, hệ thống ngân hàng tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp gắn với chương trình bình ổn thị trường và cho vay các lĩnh vực ưu tiên.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Lạng Sơn |
Hơn 2 năm thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, các ngân hàng đã luôn chủ động trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Thay vì doanh nghiệp phải tìm đến ngân hàng, thì các ngân hàng thương mại đã chủ động tìm đến doanh nghiệp; xem xét và tư vấn giúp doanh nghiệp về phương án kinh doanh, hồ sơ vay vốn, gia hạn nợ, giảm lãi suất… Trong năm 2015, tổng số khách hàng được ký cam kết vay mới thông qua chương trình kết nối là 281 doanh nghiệp, số vốn cam kết cho vay hơn 2.811 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp được điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn trả nợ. Tổng số nợ được cơ cấu lại trong năm 2014 và năm 2015 là 1.273 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay hơn 2.000 tỷ đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất kinh doanh, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Trương Thu Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh triển khai nhiều văn bản mới đến các ngân hàng thương mại. Trong đó, chỉ đạo kịp thời về thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh; Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, trong đó tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp … Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bám sát chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để đầu tư tín dụng đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Qua chỉ đạo, giám sát thực hiện Chương trình kết nối, các ngân hàng thương mại đều chấp hành tốt các quy định về lãi suất cho vay, áp dụng các mức lãi suất phù hợp cho các đối tượng khách hàng. Đồng thời có nhiều cải cách về quy trình, thủ tục cho vay vốn theo hướng thuận lợi cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Các thông tin tín dụng đều được minh bạch hóa và tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng về các thông tin khoản vay…
Thực hiện Chương trình kết nối từ đầu năm 2016 đến nay, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho vay mới đối với 222 doanh nghiệp với tổng số vốn 742 tỷ đồng. Chương trình bình ổn thị trường tham gia cam kết cho vay 110 tỷ đồng; dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 2.966,8 tỷ đồng.
Từ thực hiện kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp được tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để sản xuất, kinh doanh mà các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh được nguồn vốn vào sản xuất, thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 14.665 tỷ đồng, trong đó, cho vay các loại hình doanh nghiệp chiếm trên 53%. Cơ cấu dư nợ lãi suất thấp theo chiều hướng tăng lên, dư nợ cho vay với mức lãi suất thấp từ 10%/năm trở xuống chiếm 74,7% dư nợ của ngân hàng thương mại.
Bài, ảnh: Lâm Như
Ý kiến ()