Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ
LSO-Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 11/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực KTTT đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Trong đó, việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã góp phần quan trọng đưa lĩnh vực KTTT mà nòng cốt là các hợp tác xã ((HTX) có những chuyển biến rõ nét.
Dịch vụ câu cá tăng thêm thu nhập cho HTX Nà Pia, huyện Văn Lãng |
Ông Hoàng Văn Sóng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Việc thực hiện các chính sách phát triển HTX như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; chính sách đất đai; tài chính tín dụng; đổi mới công nghệ, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại… đã có những tác động tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực KTTT phát triển. Từ nguồn hỗ trợ như vậy đã giúp nhiều HTX vượt khó vươn lên.
Trường hợp của HTX thủy sản Nà Pàn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng là một ví dụ. Ông Nông Thế Hiệu, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Với thành viên chủ yếu là các hộ nông dân nên khi mới đi vào hoạt động, HTX gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về vốn. Đến năm 2015, HTX được cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ 138 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản. Đó là động lực quan trọng giúp HTX có thêm điều kiện để mở rộng chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản. Từng bước hoạt động hiệu quả, không chỉ nâng cao thu nhập cho hộ thành viên mà HTX còn đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Hoàng Văn Thụ.
Tương tự như vậy, nhiều HTX, tổ hợp tác khác cũng đã tiếp cận được với chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Ví dụ như trong giai đoạn 2011-2015, thành phố Lạng Sơn đã thực hiện hỗ trợ 21 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ như: chăn nuôi gà mía, nuôi gà thả vườn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trồng rau an toàn với kinh phí hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng. Bà Hoàng Thị Hằng, HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông, xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Các thành viên trong HTX thường xuyên được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nên việc trồng và chăm sóc rau an toàn của HTX gặp rất nhiều thuận lợi. Không những vậy, HTX còn được tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm ra thị trường bên ngoài thông qua kênh phân phối bán lẻ, các cuộc thi do thành phố tổ chức. Qua đó giúp HTX nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm rau an toàn của mình.
Đó chỉ là 2 trong nhiều đơn vị kinh tế hợp tác trên địa bàn tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển KTTT. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng được cho 3.060 lượt cán bộ, thành viên HTX, tổ viên tổ hợp tác và các sáng lập viên. Các sở, ngành, các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về kinh tế hợp tác, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được hàng nghìn lượt người… Bên cạnh đào tạo, tập huấn, các HTX còn được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng như ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tổng dư nợ của các HTX tại các ngân hàng thương mại trong giai đoạn là 94 tỷ đồng; 11 HTX vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Ngoài ra, các HTX còn tiếp cận được ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực đất đai, xúc tiến thương mại.
Những chính sách hỗ trợ đó đã góp phần quan trọng vào tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển của các HTX. Sau 5 năm triển khai nghị quyết, số HTX tăng trung bình mỗi năm 6,25%; số thành viên mới tăng trên 4%/năm. Thu nhập bình quân hằng năm của thành viên HTX tăng 10%.
TÂN AN
Ý kiến ()