Hiệu quả từ chính sách giao đất giao rừng
(LSO) – Trong những năm qua, chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình của Đảng và Nhà nước đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc Lạng Sơn. Bởi chính sách đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, đất lâm nghiệp chiếm trên 80% diện tích tự nhiên. Hiện nay, tỉnh có hơn 680.000 ha đất được quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Trong đó, rừng tự nhiên gần 300.000 ha, rừng trồng gần 230.000 ha và hơn 14.000 ha đất đã trồng nhưng chưa thành rừng. Từ năm 1994 – 2016, tỉnh đã lập hồ sơ, giao trên 350.000 ha rừng cho gần 90 nghìn hộ gia đình, 419 cộng đồng dân cư trên địa bàn 11 huyện, thành phố.
Là một trong những huyện làm tốt công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 1994 đến nay, huyện Cao Lộc đã giao và cấp sổ cho gần 29 nghìn hộ trên diện tích gần 60.000 ha. Từ khi được giao đất, giao rừng, người dân có trách nhiệm, nỗ lực vươn lên.
Người dân xã Lương Năng, huyện Văn Quan thu hái quả sở
Ông Lương Văn Thuật, thôn Bản Ngõa, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2000, thực hiện dự án trồng rừng Việt Đức, gia đình tôi trồng 5 ha thông. Cùng với đó, tôi duy trì việc trồng và chăm sóc 2 ha sở. Từ năm 2015, được thu hoạch nhựa thông, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi đã tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng. Hiện nay, nhờ rừng, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 350 triệu đồng, đời sống ngày càng được cải thiện.
Không chỉ riêng gia đình ông Thuật, hiện trên địa bàn tỉnh đã và đang có rất nhiều hộ gia đình có thu nhập cao và ổn định từ rừng như: hộ ông Lê Văn Thuận (thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) thu nhập 350 triệu đồng/năm; hộ ông Tô Vĩnh Sạch (thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập) thu nhập 600 triệu đồng/năm; hộ bà Đặng Thị Nam (thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng) thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm…
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và định hướng, chỉ đạo của tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng Trồng cây lâm nghiệp như: vùng trồng thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc với diện tích 108.000 ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 24.500 ha; vùng trồng hồi ở Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích trên 25.000 ha. Ngoài ra, còn có vùng nguyên liệu quế ở Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định với diện tích khoảng 800 ha…
Để tạo điều kiện cho nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển lâm nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành luôn quan tâm, định hướng như: hỗ trợ kinh phí trồng, chăm sóc rừng; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp; thành lập các tổ đội quản lý, bảo vệ rừng….
Đặc biệt, trung bình mỗi năm, từ nguồn ngân sách, tỉnh dành từ 3 – 4 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân trồng cây phân tán. Trong đó, năm 2019, tỉnh bố trí nguồn kinh phí 3,5 tỷ đồng cho công tác này. Đồng thời, chỉ đạo các huyện hỗ trợ nhân dân để cùng thực hiện hiệu quả chương trình trồng cây phân tán tại địa phương.
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Nhà nước, của tỉnh cùng sự chủ động của người dân, từ khi thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, các chỉ tiêu về khối lượng, trữ lượng, chất lượng rừng và tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ngày càng tăng cao. Hiện, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là 62,43%, tăng 13,33% so với năm 2010.
Cùng với đó, đời sống của người dân cũng được cải thiện và nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh là 38,4 triệu đồng/người/năm, tăng 21,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thông qua chính sách giao đất, giao rừng đã tạo điều kiện cho người dân có tư liệu sản xuất để tự tổ chức sản xuất lâm nghiệp trên chính diện tích đất được giao. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế – xã hội như: trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Trồng rừng đã tạo việc làm ổn định cho một bộ phận người dân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
NGUYỄN PHƯƠNG - KIM HUYÊN
Ý kiến ()