Hiệu quả từ cách "trị thủy" ở Cai Lậy
Thu hoạch chôm chôm ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. Chủ động, sáng tạo, quyết liệt ứng phó lũ lớn năm 2011 không những bảo vệ an toàn cho cây trồng, vật nuôi mà còn tạo điều kiện cho nông dân gieo sạ vụ đông xuân năm 2011 - 2012 đúng lịch thời vụ, hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Phương pháp trị thủy của huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã mở ra hướng "sống chung với lũ" một cách bền vững.Phân vùng sản xuấtSau thiệt hại nặng nề do trận lũ lịch sử năm 2000 gây ra đối với "vương quốc cây ăn trái" và vùng lúa cao sản của tỉnh, Tiền Giang đã quy hoạch và phân định vùng sản xuất hợp lý để tránh lũ hằng năm. Đó là, các vùng ngập lũ của tỉnh thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành phía nam quốc lộ 1A tập trung chuyên canh vườn cây ăn trái, phía bắc quốc lộ 1A tập trung sản xuất lúa ba vụ/năm. Trong đó, Cai Lậy là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, đạt năng suất cao nhất nước là 17 tấn/ha/ba vụ; đồng thời, huyện còn...
Thu hoạch chôm chôm ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. |
Phân vùng sản xuất
Sau thiệt hại nặng nề do trận lũ lịch sử năm 2000 gây ra đối với “vương quốc cây ăn trái” và vùng lúa cao sản của tỉnh, Tiền Giang đã quy hoạch và phân định vùng sản xuất hợp lý để tránh lũ hằng năm. Đó là, các vùng ngập lũ của tỉnh thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành phía nam quốc lộ 1A tập trung chuyên canh vườn cây ăn trái, phía bắc quốc lộ 1A tập trung sản xuất lúa ba vụ/năm. Trong đó, Cai Lậy là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, đạt năng suất cao nhất nước là 17 tấn/ha/ba vụ; đồng thời, huyện còn có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như chôm chôm Tân Phong, sầu riêng Ngũ Hiệp và vài năm trở lại đây, vùng đất này phát triển mạnh cây vú sữa Lò Rèn cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thức rõ giá trị của sản xuất nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực, cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây rất quan tâm đến việc trị thủy hằng năm. Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Văn Nhã cho biết: Từ dự báo lũ lớn năm 2011 có thể xảy ra, huyện đã chủ động, ứng phó lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Theo đó, phân công cụ thể từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chịu trách nhiệm ở địa bàn mình phụ trách cùng với cơ sở giám sát, phát hiện và đề xuất phương án khắc phục kịp thời các tình huống xảy ra. Đồng thời, huyện cũng đã mạnh dạn triển khai sớm nguồn kinh phí từ quỹ dự phòng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hơn ba tỷ đồng đến các xã, tạo điều kiện cho các xã chủ động tôn tạo, sửa chữa khắc phục các tuyến đê bao, khu vực sạt lở… bảo vệ tuyệt đối an toàn diện tích vườn cây ăn trái và lúa hè thu chính vụ.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, việc trị thủy đã đem lại kết quả phấn khởi. Đó là, khi nước lũ dâng cao gây ngập tất cả các cánh đồng thì huyện còn 600 ha lúa ở xã Mỹ Thành Bắc có khả năng mất trắng. Giải quyết vấn đề này, huyện đã tập trung huy động phương tiện cơ giới hoạt động suốt ngày đêm để tôn cao các tuyến đê bao trọng yếu ngăn lũ. Mặt khác, chính quyền xã Mỹ Thành Bắc cùng bà con nông dân khẩn trương nâng cấp các bờ vùng từng thửa ruộng, đồng thời tích cực bơm tát để hạn chế ngập úng. Sự kết hợp hài hòa này đã bảo vệ an toàn 600 ha lúa vụ ba thu hoạch dứt điểm. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc Trần Văn Biên cho biết: Là xã khó khăn, hằng năm chịu ảnh hưởng của lũ. Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào canh tác cây lúa như: sản xuất lúa theo mô hình Global GAP, lúa chất lượng cao an toàn, đời sống nông dân từng bước được nâng lên. Bình quân thiệt hại một ha lúa mất trắng do lũ là 40 triệu đồng, nếu mất 600 ha lên đến 24 tỷ đồng. Bởi vậy, chính quyền và nhân dân xã không vui sao được khi 600 ha lúa được bảo vệ an toàn. Còn lão nông Nguyễn Văn Bốn ở ấp 4, phấn khởi cho biết: Nông dân ở đây kinh tế chủ yếu nhờ vào sản xuất cây lúa. Lúa vụ ba thu hoạch an toàn trước lũ, lại được giá nên rất vui, bà con đang tập trung cho sản xuất vụ đông xuân và hy vọng sẽ tiếp tục thắng lợi.
Song song đó, hơn 17 nghìn ha vườn cây ăn trái của huyện vẫn vững vàng trước lũ lớn. Thành công này cho thấy, cách trị thủy của huyện Cai Lậy ngoài sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, còn có sự sáng tạo và quyết liệt của từng địa phương. Xã Mỹ Long là một điển hình. Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Tăng cho biết: Mỹ Long là xã có địa hình trũng, thấp nên chịu sự đe dọa của lũ rất lớn. Toàn xã có hơn một nghìn ha chuyên canh vườn cây ăn trái chủ yếu là sầu riêng và vú sữa Lò Rèn. Giá thời điểm hiện nay, đối với sầu riêng vụ nghịch và vú sữa mỗi ha nhà vườn lãi hơn 100 triệu đồng và từ nay đến Tết lợi nhuận từ cây ăn trái của nông dân chắc chắn còn cao hơn nữa. Đồng chí Tăng cho biết thêm, bảo vệ được vườn cây ăn trái an toàn trước lũ lớn là niềm vui rất lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Long, vì nếu thất bại, theo tính toán, xã có hơn 100 hộ phải chịu cảnh cứu đói. Tuy nhiên, điều xã lo lắng nhất là mặc dù đã thành công trong việc ứng phó lũ lớn năm 2011, nhưng cũng dừng lại ở biện pháp tình thế chứ chưa thật bền vững vì tất cả các tuyến đê nâng cấp đều ở mức tạm thời. Tại xã Tam Bình, xã điển hình trong công tác huy động sự đóng góp của dân trong việc ứng phó lũ hằng năm. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tấn Nhủ cho biết, lũ lớn năm 2011, trong tổng số hơn 20 tuyến đê bao ngăn lũ trọng yếu, tổng chiều dài hơn 60 km có nhiệm vụ bảo vệ hơn 1.600 ha vườn cây ăn trái đều được thi công nâng cấp bằng cơ giới, với kinh phí hơn hai tỷ đồng thì người dân đóng góp hơn một tỷ đồng. Sự đóng góp của dân cùng với Nhà nước trong đợt lũ này đã tạo một hệ thống đê ngăn lũ liên hoàn khép kín vững chắc trong việc ứng phó lũ.
Hạn chế thiệt hại
Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, một ha lúa bị thiệt hại do lũ bình quân nông dân mất 40 triệu đồng, còn đối với một ha vườn chỉ cần ngâm lũ từ một đến ba ngày đêm thì cây đổ lá, suy kiệt, chết – thiệt hại hàng trăm triệu đồng và hậu quả kéo dài các năm sau. Thiệt hại về cây lúa, chỉ trong vòng ba tháng sau nông dân đã khắc phục được, còn vườn cây thì vốn đầu tư trồng mới đến thu hoạch mất ít nhất từ ba đến năm năm, tùy theo từng loại cây. Do đó, việc bảo vệ an toàn cho hơn 17 nghìn ha cây ăn trái trước lũ năm 2011 là một thành công rất lớn của huyện Cai Lậy. Đồng thời, cũng đã mở hướng thực hiện các giải pháp “sống chung với lũ” một cách bền vững.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tiến sĩ Lê Hữu Hải cho biết: Lũ lớn năm 2011 là cuộc diễn tập trải nghiệm thực tế rất có giá trị đối với công tác trị thủy của địa phương. Từ thực tế này, huyện đã khảo sát và lập kế hoạch ứng phó lũ hằng năm một cách bài bản, có giá trị bền vững. Trước hết, từ việc bảo vệ an toàn 600 ha lúa vụ ba, huyện xem đây là một mô hình “hai trong một” đang tiếp tục nhân rộng. Theo đó, huyện sẽ tập trung đầu tư cơ giới, nâng cấp tất cả các tuyến đê trọng yếu để bảo vệ lúa vụ ba khi lũ đến, còn các xã sẽ nâng cấp các bờ vùng để tạo điều kiện bơm tát. Công tác này có hai tác dụng: bảo vệ được diện tích lúa vụ ba khi lũ đến, sau khi thu hoạch xong, cho nước vào cày ngâm lũ và đến cuối tháng 11 – nhờ có hệ thống đê bao này sẽ giúp nông dân chủ động bơm tát, gieo sạ tập trung vụ đông xuân đúng theo lịch “gieo sạ đồng loạt, né rầy”. Và để thực hiện giải pháp trên bảo đảm an toàn cho lúa vụ ba hằng năm ở các xã phía bắc quốc lộ 1A khi lũ đến, huyện rất cần sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh để thi công bằng cơ giới nâng cấp hơn 30 tuyến đê bao lửng với chiều dài hơn 200 km. Mùa lũ năm 2011, đỉnh lũ tại Cai Lậy còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 đến 50 cm, nhưng nhiều tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái đã bị nước lũ tràn qua. Vì vậy, để bảo vệ an toàn cho hơn 17 nghìn ha vườn cây ăn trái, huyện cũng cần hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp hơn 10 tuyến đê bao chính, với chiều dài hơn 55 km.
Một mùa lũ lớn đã đi qua, huyện Cai Lậy đã bảo vệ an toàn diện tích vườn cây ăn trái và lúa hè thu chính vụ 2011. Bà con nông dân đang phấn khởi chăm sóc vườn cây ăn trái để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới và lúa đông xuân vừa xuống giống đúng theo lịch “gieo sạ đồng loạt, né rầy” – hứa hẹn một vụ lúa đông xuân bội thu sau mùa lũ lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()