Hiệu quả từ cách làm sáng tạo, đột phá và biết huy động sức dân
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội đã trở thành điểm sáng và là địa phương trong tốp đầu cả nước về những thành tựu đạt được. Đó chính là sự kết tinh của những cách làm sáng tạo, đột phá và biết huy động sức dân.
Nhiều mô hình NTM của Hà Nội đã được nhiều các đồng chí lãnh đạo Đảng, |
Đột phá trong dồn điền đổi thửa
Sau hơn 4 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố Hà Nội có 109/386 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, 156 xã đạt từ 14 – 18 tiêu chí, 115 xã đạt 10 – 13 tiêu chí, chỉ còn 6 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí. Như vậy, từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 2 tiêu chí năm 2010, đến nay, mỗi xã đạt bình quân trên 15 tiêu chí. Riêng năm 2014, có 71 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11 xã so với mục tiêu kế hoạch. Đây sẽ là cơ sở vững chắc cho việc phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu số xã hoàn thành NTM trong năm 2015 và những năm tiếp theo của Hà Nội.
Cùng với đó là tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hoá đạt 100%, đường trục thôn, liên thôn được cứng hoá đạt 95%. Hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%, có tổ chức thu gom rác thải đạt 98%. Tỷ lệ thôn có điện đạt 100%, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là trên 94%, trong đó có 36,68% số dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%. 100 thôn làng đã có nhà văn hoá với trang thiết bị phục vụ tốt hoạt động văn hoá, thể thao…
Trong một loạt các kết quả nổi bật, công tác dồn điền đổi thửa được coi là khâu đột phá với những kết quả bất ngờ. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất nông nghiệp không cao, nhiều hộ dân có tâm lý chán ruộng, bỏ bê sản xuất, chỉ trong 2 năm, toàn thành phố đã dồn điền đổi thửa được 75.965/76.360ha, đạt 99,48% kế hoạch. Một số huyện đã dồn đổi được diện tích lớn là: Sóc Sơn (hơn 10.300ha), Chương Mỹ (hơn 10.200ha), Phú Xuyên (hơn 8.900ha), Mỹ Đức (hơn 7.500ha)…
Sau dồn điền đổi thửa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Từ dồn điền đổi thửa đã tạo thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư… Cũng nhờ dồn điển đổi thửa, toàn thành phố dôi dư được hơn 1.477ha đất, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa cùng với một loạt cơ chế, chính sách kịp thời, đúng hướng của thành phố, chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã bước đầu hình thành và mở rộng được các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa, vùng chăn nuôi xa khu dân cư, vùng rau an toàn, hoa, cây cảnh…
Cụ thể, đến nay, diện tích các vùng lúa chất lượng cao toàn thành phố đạt trên 21.100 ha tại 11 huyện ngoại thành. Diện tích canh tác hoa, cây cảnh của Thành phố đã hình thành 50 vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô từ 20 ha/vùng trở lên tại các huyện Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng… Thành phố đã lập 31 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với tổng diện tích gần 2.100 ha…. Từ đây, các hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã đạt 231 triệu đồng/ha/năm, hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của năm 2015.
Những con số “biết nói”
Có thể nói, việc Hà Nội lựa chọn các xã điểm xây dựng NTM là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài xã Thụy Hương (Chương Mỹ) là xã điểm xây dựng NTM của trung ương, thành phố đã chọn 3 xã là Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì) và Song Phượng (Đan Phượng) để làm điểm của thành phố; đồng thời, chỉ đạo mỗi huyện, thị xã chọn 1 xã để đầu tư xây dựng điểm NTM của địa phương. Từ đây, đã xuất hiện những mô hình thực tế trong công tác chỉ đạo, điều hành để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Và cũng từ đó, bộ mặt nông thôn đã từng bước thay da đổi thịt thông qua những con số “biết nói”.
Cụ thể, đối với huyện Đông Anh, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, đến nay, toàn huyện đã có 12 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2010 – 2015; công tác dồn điền đổi thửa đạt những kết quả quan trọng. Đặc biệt, sau khi dồn điền đổi thửa kết hợp với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, như: vùng sản xuất rau an toàn quy mô 800 ha tại các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng…; vùng trồng hoa cây cảnh quy mô 550 ha… Cùng với đó, huyện đã quy hoạch phát triển 230 trang trại,… Qua đó, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của toàn huyện đạt 90,2 triệu đồng (năm 2010 là 61 triệu đồng); đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt 30 triệu đồng (so với 20 triệu đồng năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,9% năm 2010 xuống còn 1,24% năm 2014. Từ nay đến hết năm 2015, huyện Đông Anh phấn đấu xây dựng thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận nông thôn mới của toàn huyện lên 18 xã.
Còn đối với huyện Phúc Thọ, mặc dù nguồn lực của huyện còn gặp nhiều khó khăn, song đến hết năm 2014, toàn huyện đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,2 triệu đồng, tăng 14,9 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,41% (so với 9,49% năm 2010). Huyện đã hoàn thành dồn điền đổi thửa 3.708 ha, đạt 100,6% kế hoạch. Qua dồn điền đổi thửa đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, như vùng trồng rau an toàn có diện tích 420 ha, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt 600 – 800 triệu đồng, gấp từ 8 – 10 lần so với trồng lúa; vùng trồng hoa ly cho thu nhập từ 5,5 – 6 tỷ/ha… Năm 2015, huyện Phúc Thọ đăng ký có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 17/22 xã.
Đối với huyện Đan Phượng, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của Thành phố, hiện đã có 13/15 xã đạt chuẩn NTM, trong năm 2015, huyện tiếp tục phấn đấu, tập trung nguồn lực để hoàn thành xây dựng NTM tại 2 xã còn lại, đưa tỷ lệ xã NTM của huyện đạt 100%.
Đối với huyện Hoài Đức, đến nay, toàn huyện có 10/19 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 52% tổng số xã, 9 xã còn lại đều đạt 14 – 16 tiêu chí trở lên. Riêng năm 2014, huyện có 6 xã được thành phố đánh giá đạt chuẩn NTM, đạt 200% chỉ tiêu thành phố giao, trong đó xã Yên Sở được thành phố đánh giá là 1/50 xã tiêu biểu của Thành phố và được trung ương đánh giá là 1/27 xã tiêu biểu toàn quốc….
Để đạt được kết quả này, ngoài các địa phương đã linh động, sáng tạo trong cách làm theo cách riêng của mình thì Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện theo cách làm bài bản, có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ: để hoàn thành các tiêu chí hạ tầng cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn (trong khi đó, theo đề án xây dựng NTM khi phê duyệt, bình quân mỗi xã cần khoảng 200 – 250 tỷ đồng), vậy là Thành phố đã chỉ đạo các địa phương theo hình thức “liệu cơm gắp mắm”, những công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng được ưu tiên đầu tư trước… Thế là trong khi nguồn vốn đầu tư của thành phố có những thời điểm bị chậm, nhưng hầu hết các huyện, thị xã và các xã đã chủ động bố trí nguồn vốn và huy động các nguồn vốn xã hội hóa khác của doanh nghiệp, hộ gia đình chủ động, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/Tu của Thành ủy Hà Nội, sau hơn 4 năm triển khai, tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố đã đạt trên 21,1 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ chương trình chỉ gần 6.200 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 1/3 tổng nguồn vốn. Số vốn còn lại được huy động thông qua các nguồn vốn lồng ghép của chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Nhờ xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn |
Cụ thể, trong hơn 4 năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể cùng nhân dân đã tích cực ủng hộ xây dựng NTM. Cụ thể: các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể 1.306 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 3.000 tỷ đồng; nguồn vốn khác là gần 800 tỷ đồng.
Toàn thành phố đã có hàng chục nghìn hộ gia đình tham gia hiến đất, góp ngày công, góp hiện vật và kinh phí cho phong trào xây dựng NTM. Trong đó có 576 hộ gia đình hỗ trợ bằng các hình thức từ 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Thế Vinh ở 362 phố Trần Khát Trân, Hai Bà Trưng hỗ trợ 6 tỷ đồng xây dựng một số công trình văn hóa ở xã Thanh Liệt, Thanh Trì; gia đình ông Phạm văn Sự, thôn Kỳ Dương, xã Chương Dương, huyện Thường Tín hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cải tạo đường giao thông nông thôn, ngõ xóm và hệ thống chiếu sáng; gia đình ông Lê Quốc Quý thôn Dịch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hỗ trợp 2,229 tỷ đồng cải tạo hệ thống đường, đèn chiếu sáng…
Nhờ vậy, đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở; 95% đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa; 67% hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu; 98% thôn, xóm có tổ chức thu gom rác thải. Nhà văn hóa, sân vận động, trung tâm thể thao từ cấp thôn, xã đến cấp huyện ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang…
Cũng nhờ có cơ sở hạ tầng khang trang, người dân đã có điều kiện hơn để phát triển kinh tế. Đến nay, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng (năm 2011) lên 28,6 triệu đồng (năm 2014). Số hộ nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm từ 172.850 hộ (năm 2011) xuống còn 28.528 hộ (năm 2014), chiếm 2,89%. Bộ mặt nông thôn của thành phố Hà Nội đã được đã khoác lên mình tấm áo mới khi không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 54,5%; 100% thôn, làng đã có nhà văn hóa với các thiết bị thiết yếu phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, thể thao. Hiện nay hầu hết các đám cưới được tổ chức theo nếp sống đơn giản, gọn nhẹ theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy…
Đánh giá cao nhưng chưa hài lòng với kết quả đạt được, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền, tăng cường đối thoại trực tiếp, nghe ý kiến đóng góp của người dân trong phát triển kinh tế… Cán bộ quản lý ở các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo điều hành, phải coi trọng bài học kinh nghiệm về tập trung, dân chủ, sáng tạo đi đầu. Cùng với đó, bổ sung cơ chế chính sách hợp lý, tránh tốn kém, lãng phí trong quản lý về tài nguyên, nhân lực. Đặc biệt cần nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao vào sản xuất, củng cố vai trò của các hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()