Hiệu quả từ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Cùng với phát triển công nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương cũng đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của địa phương này.
Cùng với phát triển công nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương cũng đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của địa phương này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, hiện cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao.
Trong đó, việc trồng cây lâu năm và chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh. Các địa phương đã chuyển từ cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây cho giá trị cao như cây cao su, các loại cây ăn quả đặc sản. Bên cạnh đó, ngoài việc chăn nuôi theo hình thức trang trại, các hộ nông dân cũng nuôi những con vật có giá trị như lợn rừng lai, nhím, ba ba, cá sấu.v.v…
Từ năm 2011 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã phối hợp triển khai thực hiện hơn 447 điểm trình diễn mô hình khuyến nông, với trên 575 lớp tập huấn, hội thảo cho khoảng 18 nghìn lượt người tham dự.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của Bình Dương là gần 140 nghìn ha, trong đó diện tích cao su chiếm trên 130 nghìn ha.
Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp được |
Tổng đàn gia súc đạt trên 500 nghìn con, gia cầm đạt 3,7 triệu con và diện tích nuôi trồng thủy sản là trên 400 ha…
Việc hình thành các vùng chuyên canh, mang lại lợi thế về sản xuất cũng như kinh tế, bước đầu cho thấy đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của nhiều địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có nhiều huyện quy hoạch được các vùng chuyên canh cây trồng như huyện Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng. Nhờ được định hướng đúng đắn, nhiều nông dân đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80% đến 100%.
Ở các địa phương này, 100% diện tích canh tác cây lâu năm đã được cơ giới hóa, cho thấy, người nông dân ở đây đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Cũng ở các địa phương nói trên, gần 80% đàn gia cầm và trên 85% đàn lợn được nuôi theo quy trình chăn nuôi tập trung.
Chính vì vậy mà, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định ở mức 4%/năm. Tính đến đầu năm 2013, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất đạt mức trên 75 triệu đồng/năm.
Điểm sáng của phát triển nông nghiệp ở Bình Dương trong thời gian gần đây là đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị vào sản xuất và ngày càng mở rộng.
Từ mô hình này mà những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại được các hộ nông dân sử dụng trở nên thành thạo, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, chăn nuôi trại lạnh.
Hiện tại, tổng diện tích nông nghiệp đô thị của Bình Dương là trên 170 ha với nhiều mô hình có hiệu quả như hoa lan, cây cảnh, nấm, rau mầm, rau thủy canh, rau an toàn, cá cảnh.v.v…
Đến nay, tỉnh Bình Dương cũng đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là trên 990 ha ở các huyện Phú Giáo và huyện Tân Uyên. Hiện các khu này đang dần đi vào hoạt động và một số khu đã cho sản phẩm ra thị trường.
Trong đó, một khu nông nghiệp công nghệ cao là Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đã triển khai được 20ha rau sạch và cao cấp như đậu bắp, cà tím Nhật, măng tây, 20ha cây trinh nữ hoàng cung, 20ha cây ăn quả như dưa lưới, ớt chuông, 20ha cây cảnh…, hầu hết, các sản phẩm của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đã có mặt tại thị trường nội địa thuộc các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Saigon Co.op, Big C… và các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương đã thực hiện được là 354 ha, bao gồm các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn quả, cây dược liệu, hoa lan, cây cảnh.
Các loại cây trồng được sản xuất trong nhà lưới, phương pháp canh tác hiện đại như sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương. Trong chăn nuôi cũng đã được đưa vào sử dụng hệ thống trại lạnh, máng ăn, máng uống tự động, đệm sinh học.
Trồng lan trong hệ thống nhà lưới ở Bình Dương (Ảnh: K.V) |
Theo ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, để thúc đẩy chương trình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã định hướng, tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ dân, các trang trại. Thời gian tới tiếp tục tính toán đến các phương án để các hộ dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn, xây dựng được các mô hình có chất lượng.
Với mục tiêu đã đặt ra theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Bình Dương phấn đấu đến năm 2015, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 70% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Nâng giá trị sản lượng bình quân/ha, canh tác đạt từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng/năm. Nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị bình quân/ha, canh tác từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.
Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Hình thành các vùng nông nghiệp đô thị với 300 ha rau an toàn, hoa, cây cảnh và 1.500 ha cây ăn quả đặc sản. Hình thành vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng kỹ thuật cao ở các huyện phía Bắc của tỉnh, với tổng đàn gia súc trên 450 nghìn con, tổng đàn gia cầm trên 2,5 triệu con.
Có thể thấy, trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hóa có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi.
Trong trồng trọt coi trọng phát huy thế mạnh nông – lâm nghiệp. Tỉnh quy hoạch các dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển mạnh các cây lâu năm, như cao su, cây ăn quả truyền thống, liên kết theo mô hình vườn – ao – chuồng – rừng, đồng thời hình thành các khu công nghiệp đô thị trồng rau sạch, hoa lan, cây cảnh… Hiện toàn tỉnh có 960 trang trại với 14 mô hình hợp tác xã sản xuất.
Để tạo nguồn vốn, ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, trên cơ sở vận động nhân dân, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thông qua các dự án, đề án, gắn doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, tạo đầu ra sản phẩm ổn định. Với sự năng động và biết phát huy thế mạnh của địa phương, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã và đang phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, trở thành một trong những thế mạnh của địa phương này./…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()