Hiệu quả từ áp dụng công nghệ mới
LSO-Tháng 10/2016, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lạng Sơn thi công thí điểm 2 km đường áp dụng công nghệ cào bóc, gia cố và tái sinh nguội tại chỗ trên đường tỉnh 242 Phố Vị - Đèo Cà, huyện Hữu Lũng. Sau 8 tháng đưa vào sử dụng cho kết quả khai thác vượt trội so với công nghệ sửa chữa bằng kết cấu cấp phối đá dăm nhựa nóng truyền thống. Công nghệ mới này hiện tiếp tục được đưa vào sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông với chi phí tiết kiệm và cho hiệu quả kinh tế cao.
Thi công km9 – km11 đường tỉnh 242 Phố Vị – Đèo Cà, huyện Hữu Lũng áp dụng giải pháp công nghệ cào bóc, gia cố và tái sinh nguội tại chỗ |
Công nghệ cào bóc, gia cố và tái sinh nguội tại chỗ được Bộ GTVT thẩm định và ban hành tại Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT ngày 23/5/2016 về “Chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu lớp vật liệu tái sinh nguội sử dụng xi măng và nhũ tương trong kết cấu áo đường ô tô”. Để từng bước áp dụng công nghệ này vào sửa chữa công trình đường bộ, Sở GTVT đã tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép thực hiện thi công thí điểm 2 km, từ km9 – km11 đường tỉnh 242 Phố Vị – Đèo Cà. Đây là đoạn tuyến bị hư hỏng nặng do lưu lượng lớn xe quá tải vận chuyển đá xây dựng tại các mỏ khai thác trên địa bàn gây ra.
Việc triển khai thi công được thực hiện bằng tổ hợp máy chuyên dùng của Nhật Bản. Theo đó, thiết bị máy móc thực hiện phá kết cấu cũ và trộn đều vật liệu cũ với chất gia cố, phụ gia. Sau đó đầm chặt bằng tổ hợp máy lu đầm bảo đảm cao độ thiết kế. Cuối cùng là thi công hoàn thiện lớp phủ bề mặt bằng tổ hợp máy phun tưới nhựa 2 lần, rắc đá 1 – 2 cm và đá 0,5 – 1 cm lu đầm hoàn thiện mặt đường. Sau 8 tháng khai thác, mặc dù lưu lượng xe quá tải qua đoạn tuyến thử nghiệm rất lớn nhưng kết cấu mặt đường ổn định, đạt và vượt yêu cầu thiết kế, mặt đường lưu thông êm thuận, không có hiện tượng rạn nứt, hư hỏng kết cấu áo đường. Về giá thành rẻ hơn so với giải pháp sửa chữa công trình đường bộ sử dụng cấp phối đá dăm láng nhựa truyền thống 10% – 15%, (tổng chi phí thi công 2 km đường thí điểm hết 2,1 tỷ đồng).
Ưu điểm vượt trội của giải pháp này là thời gian thi công nhanh (thi công sửa chữa 2 km hết 7 ngày) dễ kiểm soát chất lượng; xử lý được triệt để các vết nứt và biến dạng của lớp mặt đường cũ tạo ra một lớp hỗn hợp vật liệu mới đồng nhất, ổn định và có khả năng chịu lực cao, thích hợp thi công trên đường đang khai thác, cho phép được thông xe trực tiếp trên bề mặt lớp tái chế.
Ông Đào Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị giao thông vận tải – đơn vị thi công thí điểm và chuyển giao giải pháp cho biết: Với giải pháp này, cường độ và kết cấu áo đường của công trình đường bộ được nâng cao, biện pháp thi công thân thiện môi trường và giá thành rẻ, áp dụng được với mọi tuyến đường từ đường giao thông nông thôn, quốc lộ và đường đô thị.
Trên cơ sở kết quả đạt được tại tuyến đường thi công thí điểm, Sở GTVT đã báo cáo và tham mưu UBND tỉnh cho phép triển khai đại trà giải pháp này vào sửa chữa các công trình đường bộ, đặc biệt là các tuyến đường huyện và đường tỉnh. Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Với những ưu điểm vượt trội của giải pháp này, trong năm 2017, một số đoạn tuyến sẽ được triển khai thi công như: đường tỉnh 243 Gốc Me – Yên Thịnh (Hữu Lũng); đường Lũng Vài – Bản Pẻn (Văn Lãng) và một số tuyến đường tỉnh trên địa bàn huyện Lộc Bình.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()