Hiệu quả từ an toàn dịch bệnh
LSO-Từ chăn nuôi nông hộ chuyển sang chăn nuôi lớn với quy mô gia trại, trang trại, vấn đề quan trọng nhất là phòng, chống dịch bệnh. Đây được coi là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của chăn nuôi.
Mô hình nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
Với trên 800 đầu lợn nái, mỗi tháng hợp tác xã Hợp Thịnh, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc xuất chuồng khoảng 1.700-1.800 lợn con. Đây có thể coi là trang trại chăn nuôi có quy mô “khủng” nhất toàn tỉnh. Với quy mô này, số vốn của hợp tác xã và đối tác đầu tư vào trang trại cũng lên tới khoảng 40 tỷ đồng. Ông Giang Văn Lùng, Phó Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: phòng ngừa dịch bệnh là biện pháp quan trọng hàng đầu đối với trang trại chăn nuôi, chỉ cần một mầm bệnh xuất hiện và lây lan thì hàng chục tỷ đồng coi như mất trắng.
Bởi vậy nên hệ thống phòng dịch của trang trại hợp tác xã Hợp Thịnh cũng thuộc vào hàng hiện đại nhất và nghiêm ngặt nhất trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay. Trong các phân khu trong trang trại, có hẳn phân khu “điều dưỡng” cho lợn. Tại đây những chú lợn được các chuyên gia chăm sóc, bắt bệnh và xử lý ngay khi có biểu hiện bất thường. Ấy là chuyện ở vòng trong của trang trại, còn vòng ngoài thì được phân làm 2 lớp, phòng dịch bệnh theo chiều sâu. Lớp đầu tiên là từ cổng trang trại vòng quanh khu văn phòng làm việc. Qua vòng này, tất cả đều phải phun khử trùng, không có ngoại lệ. Còn muốn vào đến khu chăn nuôi trực tiếp thì phải cách ly tại khu vực văn phòng từ 1-2 ngày. Sau đó đi qua nhà tắm sát trùng tự động và thay quần áo bảo hộ.
Theo ông Phó Giám đốc hợp tác xã thì mặc dù thực hiện nghiêm ngặt tất cả quy trình ấy, nhưng cũng vẫn có thể có rủi ro. Vì vậy khu vực chăn nuôi là khu vực rất hạn chế vào, kể cả ban quản trị. Trong khu này chỉ cần 2 chuyên gia thường xuyên túc trực và các chuyên gia này cũng rất hạn chế đi ra vòng ngoài. Trong khi đó các công nhân phục vụ ở khu văn phòng cũng hạn chế ra ngoài trang trại, tất cả để đảm bảo an toàn dịch bệnh một cách tuyệt đối. Với quy mô 11.000 gà đẻ trứng, gia trại chăn nuôi Cường Hạnh, thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cũng được coi là một trong những gia trại chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn. Từ khi xây dựng đến nay, gia trại luôn đảm bảo tuyệt đối về an toàn dịch bệnh. Chị Hoàng Thị Hạnh, chủ gia trại bộc bạch: chỉ một mầm bệnh lây lan trong gia trại là sạt nghiệp, trắng tay ngay. Bởi vậy mà trong các khoản đầu tư, đầu tư cho an toàn luôn chiếm tỷ trọng lớn. Hầu hết các công đoạn từ cho ăn, uống nước, chế độ chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ…trong gia trại đều được tự động hóa để hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc với đàn gia cầm. Nền trong các dãy chuồng là vật liệu mút sinh học xử lý ngay các chất thải của gia cầm, đảm bảo môi trường trong các gian chuồng luôn thông thoáng, sạch sẽ. Khi tiếp xúc với khu vực chăn nuôi trực tiếp, người chăn nuôi hay khách tham quan phải tuân thủ nghiêm các quy trình khử trùng của gia trại. Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã rất chú trọng tới các mô hình phát triển chăn nuôi. Đặc biệt là trong các dự án hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình chăn nuôi như nuôi lợn nái, chủ động giống gia cầm tại chỗ, nuôi gà Đông Tảo…đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực. Thế nhưng không phải hộ chăn nuôi nào cũng chú trọng và có các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch lớn trong chăn nuôi, tuy nhiên vẫn lẻ tẻ xuất hiện các ổ bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: trong chuỗi các sự kiện sẽ diễn ra tại Hội chợ Nông nghiệp Thương mại vùng Đông Bắc được tổ chức vào cuối tháng 9 sắp tới, diễn đàn khuyến nông với chủ đề “các giải pháp chăn nuôi gia cầm an toàn các tỉnh miền núi phía Bắc” là một trong những sự kiện quan trọng. Thông qua diễn đàn, các cán bộ chuyên môn và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ được tiếp cận với rất nhiều các kinh nghiệm phòng dịch, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi từ các địa phương có điều kiện tương đồng.
Với phong trào chăn nuôi đang phát triển, quy mô và hình thức chăn nuôi cũng đang dần chuyển từ nông hộ, nhỏ lẻ sang liên kết chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Những kiến thức, kinh nghiệm, các biện pháp kỹ thuật về an toàn dịch bệnh là một trong những yếu tố quan trọng để nhà nông Xứ Lạng nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()