Hiệu quả trong phối hợp giải phóng mặt bằng
LSO-Với chức năng được tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật luôn xác định công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư là một trong các yếu tố quyết định đến tiến độ dự án. Do đó, lãnh đạo ban đã tập trung điều hành bằng nhiều biện pháp và tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền chủ động tham mưu đề xuất xử lý các vướng mắc về mặt bằng khi thực hiện dự án.
![]() |
Thực hiện san mặt bằng tại dự án đường Na Sầm – Na Hình (Văn Lãng) đấu nối với đường tuần tra biên giới |
Trong giai đoạn 2012-2016, chỉ tính riêng 8 dự án giao thông trọng điểm do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật làm chủ đầu tư đã thu hồi 268 ha đất với chi phí đền bù 362 tỷ đồng; bình quân chi phí bồi thường 1,35 tỷ đồng/ha. Quy trình bồi thường được thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai. Khi triển khai thực hiện từng dự án, ban phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời hằng tháng, quý ban tổ chức họp giao ban định kỳ, giao ban đột xuất với các huyện để cập nhật tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Ông Lăng Văn Thạu, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật tỉnh chia sẻ: Yêu cầu về tiến độ là áp lực rất lớn đối với chủ đầu tư và chính quyền địa phương – nơi thực hiện dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo ban quán triệt tới đội ngũ cán bộ, kỹ sư phối hợp với chính quyền cùng thực hiện giải phóng mặt bằng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là một phần trách nhiệm của chủ đầu tư.
Qua thực tế theo dõi, khi triển khai giải phóng mặt bằng các dự án, cán bộ của ban đều tham gia ngay từ đầu, từ công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, cơ chế chính sách bồi thường, đo đạc kiểm đếm, chi trả bồi thường, đến khâu tham mưu xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm quản lý thực hiện nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, ban còn chỉ ra những bất cập về cơ chế chính sách cũng như tham mưu đề xuất tháo gỡ những cơ chế hỗ trợ bồi thường, tái định cư phù hợp với thực tiễn địa phương.
Điển hình như dự án đầu tư xây dựng đường Na Sầm – Na Hình đấu nối với đường tuần tra biên giới, ban đã đề xuất với tỉnh cho phép UBND huyện Văn Lãng và chủ đầu tư thực hiện cơ chế hỗ trợ máy san gạt mặt bằng, vừa tạo quỹ đất tái định cư phân tán cho các hộ phải di chuyển, vừa có vật liệu đất đắp để làm đường. Tại dự án này đã có trên 20 hộ được hỗ trợ san lấp mặt bằng tạo chỗ ở mới. Việc hỗ trợ san gạt tạo quỹ đất tái định cư còn được áp dụng với một số dự án khác như: đường Hữu Nghị – Bảo Lâm; đường phi thuế quan. Từ việc thực hiện cơ chế hỗ trợ phù hợp hiệu quả, được bà con ủng hộ, tỉnh đã cho phép nhân rộng việc hỗ trợ san gạt mặt bằng tạo quỹ đất tái định cư phân tán cho người dân trên phạm toàn tỉnh.
Trong năm 2017, Ban được giao thực hiện 24 dự án gồm: 18 dự án chuyển tiếp; 6 dự án thanh toán nợ và khởi công mới… Hiện các dự án chuyển tiếp có 6 dự án đã cơ bản hoàn thành xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất; 12 dự án khối lượng giải phóng mặt bằng đều đạt từ 80 đến 90% kế hoạch.
Ông Vũ Hoàng Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Văn Lãng cho biết: Trên địa bàn huyện thực hiện rất nhiều dự án của các chủ đầu tư khác nhau, thường quá tải về công việc, chính vì vậy việc các chủ đầu tư bố trí cán bộ cùng sát cánh phối hợp tham gia giải phóng mặt bằng đã chia sẻ khó khăn và giúp cho huyện giảm nhiều áp lực trong xử lý các công việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.
CÔNG QUÂN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()