Hiệu quả trong mô hình trường học mới
(LSO)-Cùng với triển khai và duy trì mô hình trường học mới (VNEN), trong 8 năm qua, phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” đã phát huy hiệu quả, góp phần hình thành những lứa công dân mới với những kỹ năng cần thiết của đội ngũ lao động mới.
Học sinh THCS huyện Đình Lập trong giờ thí nghiệm thực hành
Kích thích sự nghiên cứu, khám phá
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) là phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu để chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu, thảo luận hay điều tra. Phương pháp này có thể áp dụng trong tất cả các nhà trường, song nó đặc biệt phù hợp với mô hình VNEN.
Đối với giáo dục một tỉnh miền núi như Lạng Sơn, áp dụng phương pháp BTNB sẽ mang lại “hiệu quả kép” là kích thích học sinh khám phá tìm tòi, làm cho giờ học hấp dẫn hơn, học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn; mà còn giúp các em phát triển kỹ năng diễn đạt, phát triển ngôn ngữ. Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, ngay từ năm học 2011-2012, cùng với xây dựng mô hình VNEN, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo đưa phương pháp BTNB vào giảng dạy thí điểm tại các trường, nhất là trường có lớp VNEN. Phương pháp này đã nhanh chóng được đội ngũ giáo viên hưởng ứng, học sinh thích thú và đã nhanh chóng lan rộng ở cả cấp tiểu học và THCS, đến năm học 2014-2015, đã có 248/270 trường, 1.624/3.472 lớp với gần 46 ngàn học sinh tiểu học; 198/229 trường, 725/1705 lớp với gần 36 ngàn học sinh THCS được học các tiết theo phương pháp BTNB. Đặc biệt, khi lớp học được tổ chức theo mô hình VNEN như: phân nhóm học tập, thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thì phương pháp BTNB tỏ ra đặc biệt hiệu quả. Phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn đánh giá: Phương pháp BTNB trong mô hình VNEN đã phát huy được tính sáng tạo của học sinh, học sinh tự tìm tòi kiến thức, phát huy kỹ năng làm việc cá nhân, kỹ năng hợp tác, thúc đẩy sự tương tác thầy – trò, trò – trò… và kỹ năng làm việc tập thể, rèn luyện tư duy sáng tạo, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp.
Trong những năm qua, phương pháp BTNB đã thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh từ cấp tiểu học đến THPT, từ những trường có cơ sở vật chất (CSVC) tốt, đội ngũ giáo viên giỏi như Trường THPT Chu Văn An, Việt Bắc, Hữu Lũng… đến các trường khó khăn, trường phổ thông Dân tộc bán trú như Yên Sơn ( Hữu Lũng), Kiên Mộc, Bắc Xa ( Đình Lập). Số dự án nghiên cứu năm sau cao hơn và thực tế hơn, chất lượng hơn năm trước. Đến năm học 2017-2018, toàn ngành đã có 554 dự án cấp huyện, 124 dự án cấp tỉnh và 6 dự án dự thi cấp toàn quốc.
Triển vọng của phương pháp mới
Đánh giá sau 5 năm ( 2011 -2016) thực hiện phương pháp dạy học này, đồng chí Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã nêu bật 3 “cái được” là kích thích tính chủ động, tự giác của học sinh; giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho lớp người mới của thời kỳ “cách mạng công nghiệp 4.0”; đội ngũ giáo viên cũng năng động hơn trong tổ chức, hướng dẫn, tư vấn…chứ không đơn thuần là cung cấp cho các em kiến thức sẵn có để các em học thuộc lòng. Như vậy, phương pháp BTNB đã định hình, đứng vững và phát triển không chỉ trong mô hình VNEN, mà cả ở những lớp ngoài VNEN. Tuy vậy, sự cần thiết để phương pháp này phát triển rộng khắp là CSVC, đồ dùng, thiết bị thí nghiệm. Nhiều giáo viên cho rằng, sự thiếu thốn về thiết bị thí nghiệm đã hạn chế rất nhiều đến kết quả dạy học theo phương pháp mới. Ở nhiều tiết học, thay vì phái có kính hiển vi, các hóa chất thí nghiệm, các dụng cụ toán học, vật lý… thì học sinh chỉ quan sát bên ngoài, hoặc dùng dụng cụ tự làm để đo, vẽ… chứ không thể nghiên cứu sâu để tìm hiểu bản chất bên trong mỗi sự vật, hiện tượng.
Duy trì VNEN, tăng cường trang thiết bị, đổi mới tư duy của giáo viên trong cách thức tổ chức dạy học, đó là những điều kiện cần để phương pháp BTNB pháp triển bền vững, trở thành một phương pháp tiên tiến để đổi mới dạy và học – khâu đột phá trong công cuộc cải cách căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Ý kiến ()