Hiệu quả triển khai mô hình quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có kiểm soát
LSO-Những năm gần đây, số lượng người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên địa bàn tỉnh ta tăng lên khá nhanh, nhất là đối tượng bảo hiểm y tế.
LSO-Những năm gần đây, số lượng người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên địa bàn tỉnh ta tăng lên khá nhanh, nhất là đối tượng bảo hiểm y tế. Qua số liệu thống kê cho thấy, tại Phòng khám và Khoa nội tiết -Tim mạch bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn đã tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó bệnh nhân đái tháo đường theo nghiên cứu của đề tài chiếm 6% và trên 70% bệnh nhân ĐTĐ đã có biến chứng do không kiểm soát được đường máu, biểu hiện rõ nhất trên tổn thương vi mao mạch, bệnh nhân có cảm giác tê bì tay chân. Nhiều bệnh nhân phải chuyển đến các trung tâm điều trị chuyên sâu do các biến chứng của bệnh, nên chi phí rất tốn kém. Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng, chủ nhiệm nghiên cứu đề tài cho biết: Bệnh ĐTĐ là những bệnh mạn tính nguy hiểm, có thể gây biến chứng ở thận, mắt, thần kinh, bệnh mạch vành, đột quỵ, loét bàn chân dẫn đến cắt cụt chi, gây tàn phế.
Điều trị bệnh nhân đái tháo đường biến chứng tại khoa nội 1, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Lạng Sơn |
Trước thực trạng trên, với mong muốn nhằm giúp người bệnh phát hiện sớm và điều trị dự phòng các biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ trên địa bàn tỉnh, tháng 10 năm 2012, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Lạng Sơn đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường có kiểm soát tại bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh. Bệnh viện đã lập hồ sơ điều trị ngoại trú cho từng người bệnh, mỗi người bệnh có một sổ khám bệnh, trong đó hướng dẫn đầy đủ chế độ ăn, chế độ tập luyện và cách dùng thuốc cụ thể, rõ ràng, có ngày hẹn tái khám. Kết quả, sau 9 tháng triển khai, đề tài đã có 765 bệnh nhân ĐTĐ được khám và đưa vào quản lý, điều trị bằng sử dụng thuốc theo phác đồ y lệnh: thuốc hạ đường huyết đường uống lúc đói trước khi ăn 1 giờ Gliclazit 200-240 mg/24giờ; Metfomin uống sau khi ăn 500-1000 mg/24giờ, hoặc phối hợp với Insulin tiêm 10-15UI/24giờ.
Cùng với việc điều trị, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh còn tư vấn về cách sử dụng thuốc, không ăn đường, ăn ít hoa quả có lượng đường cao; tập thể dục nhẹ nhàng bằng đi bộ đều đặn, thường xuyên 30-60 phút/ngày. Nhờ đó, bệnh nhân duy trì được lượng đường trong máu ở giới hạn cho phép, hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra như: tai biến mạch não, suy thận, suy tim… giảm thiểu số lượng bệnh nhân chuyển tuyến Trung ương điều trị. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Sàu, ở huyện Văn Quan, là bệnh nhân ĐTĐ điều tại Khoa nội 1, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho biết: bị bệnh được hơn 4 năm nay, nhưng do đôi khi ăn uống không hợp lý, cả nể với bạn bè uống rượu, nên bệnh ĐTĐ tái phát, phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi được các y, bác sỹ tư vấn, tận tình chăm sóc, điều trị nên sức khỏe của tôi đã dần trở lại bình thường. Trong quá trình triển khai đề tài cho thấy độ tuổi bị bệnh đông nhất: đái tháo đường type 2 độ tuổi thường trên 30; đái tháo đường type 1 gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, cá biệt gặp ở trẻ em (hiện tại đang điều trị cho 1 trẻ ở huyện Lộc Bình 5 năm nay, khi phát hiện trẻ mới 5 tuổi).
Có thể khẳng định, việc triển khai đề tài “Nguyên cứu xây dựng mô hình quản lý và điều trị đái tháo đường có kiểm soát tại bệnh viện Đa khoa trung tâm Lạng Sơn” bước đầu rất khả quan, phù hợp với điều kiện ở tỉnh ta, việc thực hiện đề tài này không những kiểm soát được bệnh ĐTĐ, hạn chế các biến chứng của bệnh mà còn giảm sự chi phí tốn kém cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Thành công của đề tài sẽ tạo điều kiện cho ngành Y tế Lạng Sơn nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Trước khi triển khai đề tài quản lý và điều trị bệnh ĐTĐ có kiểm soát, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn đã thực hiện thành công đề tài: “Mô hình quản lý và điều trị có kiểm soát bệnh tăng huyết áp trên địa bàn tỉnh” được Sở khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu ngày 25/4/2011. Sau đó mô hình được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay, đã và đang quản lý, điều trị có kiểm soát cho 3.114 bệnh nhân. Kết quả, các đối tượng đưa vào quản lý bệnh nhân tăng huyết áp (THA) sau khi được điều trị theo phác đồ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh và tại Trung tâm y tế các huyện, nhiều người bị tai biến đã ổn định và bệnh nhân mới phát hiện trong quá trình khám đã được kịp thời điều trị. Thông qua đó, giúp người bệnh được chăm sóc, điều trị, hướng dẫn phòng, chống biến chứng ngay từ đầu phát hiện ra bệnh. Do đó, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, gia đình và cả xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. |
THẾ BẢO
Ý kiến ()