Hiệu quả tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn
LSO-Với hàng nghìn tỷ đồng cho vay mỗi năm, nguồn vốn tín dụng đã và đang góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá dần khoảng cách giàu- nghèo, nông thôn- thành thị.
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hữu Lũng thăm mô hình chăn nuôi của hộ vay vốn tại xã Minh Sơn |
Ngoài các nguồn lực như sức dân, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp…, nguồn tín dụng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Xác định như vậy, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Bà Trương Thu Hoà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thường xuyên quán triệt các văn bản, chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là chỉ đạo cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cho vay các chương trình ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số… và cho vay các dự án chăn nuôi, trồng rừng theo chính sách của UBND tỉnh.
Theo đó, các ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, chấp hành đúng các quy định về lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho vay. Từ năm 2013 đến nay, tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã không ngừng tăng. Năm 2013, dư nợ cho vay lĩnh vực này là 2.763 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2012; năm 2015, dư nợ 3.957 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2014… Đến nay, dư nợ vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại đạt trên 4.430 tỷ đồng với khoảng 27 nghìn khách hàng đang sử dụng vốn, trong đó có 26.500 khách hàng là hộ gia đình và cá nhân. Dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 2.300 tỷ đồng, trong đó hơn 80% vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với 99.900 hộ vay vốn.
Từ đồng vốn vay được, các hộ dân đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ… có hiệu quả. Trong đó, nhiều hộ vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, có thu nhập cao từ trên 100 triệu đồng/năm như: hộ anh Hoàng Văn Toàn, ở thôn Táng Nàng, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn; hộ anh Đồng Tiến Sỹ, thôn Khòn Quyền, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc… Điển hình, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Hồng Minh, ở thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng hiện nay có đàn lợn trên 400 con/lứa (trong đó có 50 con nái), thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/năm. Anh Minh chia sẻ: Trước năm 2012, gia đình chỉ nuôi vài chục con lợn, chuồng trại thì tạm bợ. Thức ăn chăn nuôi phải lo từng ngày, vất vả mà thu nhập không cao. Khi xác định nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi, tôi đã mạnh dạn đề xuất vay vốn và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho vay, đến nay dư nợ vốn trên 900 triệu đồng. Nhờ có vốn, được ngân hàng tin tưởng đồng hành, gia đình tôi đã xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi rộng rãi, điện, nước bố trí khoa học, tiện lợi. Có vốn, gia đình tôi còn dự trữ được nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi đến vài tháng…
Từ đầu tư phát triển sản xuất như vậy, những năm qua, tín dụng vốn nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, là động lực vươn lên thoát nghèo của nhiều hộ dân. Qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư… trong xây dựng nông thôn mới. Ông Triệu Đức Chính, Chủ tịch UBND xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: Nhờ có vốn tín dụng, xã đã tận dụng tốt các lợi thế của địa bàn, chuyển đổi mạnh cây trồng, vật nuôi, đưa thu nhập đạt 17,5 triệu đồng/người/năm. Xã tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận các chính sách vốn, phấn đấu trong năm 2017 đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Được biết, thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, giảm lãi suất, cải cách thủ tục vay, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân vay vốn.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()