Hiệu quả tích cực trong phát triển giáo dục
![]() |
Kích thích học sinh tới trường |
Hai năm nay, chị Triệu Múi Pham, thôn Cốc Tranh (xã Công Sơn, huyện Cao Lộc) khéo thu xếp công việc để đưa con trai đi học mẫu giáo tại trường xã. Chị nói: “Con mình đi học được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền học tập…thì mình phải cố gắng đưa đón nó thôi.” Suốt 4 năm qua, 3 chị em của Dương Phúc Lầy, học sinh lớp 4 Trường Phổ thông DTBT Tiểu học &THCS xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) không còn phải lo bị mệt và đói khi theo học. Cả 3 chị em đều được chế độ tiền ăn, tiền ở và gạo trong suốt 9 tháng của năm học. Không chỉ có anh chị em của Dương Phúc Lầy, ở Trường Phổ thông DTBT Mẫu Sơn, rất nhiều trường hợp có từ 2-3 anh chị em trong một gia đình được ăn, ở bán trú để theo học như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Tô Văn Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trẻ em Mẫu Sơn được hỗ trợ từ khi biết nói, biết đi đến khi trưởng thành; bắt đầu từ độ tuổi mẫu giáo (3 tuổi) các cháu đã được hỗ trợ tiền ăn, lên cấp học phổ thông thì sự hỗ trợ đầy đủ hơn. Ông Triệu Sáng Lèn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, tỷ lệ trẻ đi học quá tuổi hoặc bỏ học giữa chừng ở xã rất cao, nhưng từ khi nhà nước hỗ trợ, thì các gia đình đều cho con đi học. Vì vậy, tỷ lệ huy động trong 5 năm gần đây luôn đạt 100%, tỷ lệ bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn giảm hẳn.
Năm học 2016-2017, Lạng Sơn có trên 34 nghìn học sinh được hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ, trong đó có trên 20 nghìn học sinh học tại các trường phổ thông DTBT và trên 14 nghìn học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các loại hình khác. Được hỗ trợ tiền ăn với mức 40% mức lương tối thiểu, được hỗ trợ tiền nhà ở với mức 10% mức lương cơ sở (đối với học sinh không ở bán trú), được hỗ trợ gạo với mức 15kg/tháng… trong suốt 9 tháng học tập/năm học đã mang lại hiệu quả cụ thể. Đến năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động đã là 99% đối với mẫu giáo; 99,5% đối với tiểu học và 98,8% đối với THCS. Tỷ lệ bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn cũng giảm mạnh và đến năm học 2015-2016 cấp tiểu học chỉ có 1 học sinh, cấp THCS chỉ có 109 học sinh và cấp THPT chỉ có 195 học sinh (bỏ học do nhu cầu đi lao động).
Nâng cao chất lượng giáo dục
Do được đầu tư một cách cơ bản và được bổ sung hằng năm bằng nguồn ngân sách, nguồn tài trợ và xã hội hóa, nên các trường phổ thông DTBT có điều kiện chăm lo ăn ở. Do không phải đi lại 4 lần trong ngày, học sinh có điều kiện học 2 buổi/ngày, các nhà trường có thêm thời gian dạy tăng thời lượng, phụ đạo học sinh yếu và cho các hoạt động bổ trợ về cả kiến thức và kỹ năng sống, giá trị sống thông qua các hoạt động tập thể.
Thống kê của ngành GD&ĐT cho thấy, năm học 2015-2016 chất lượng đại trà của học sinh các xã đặc biệt khó khăn đã tăng mạnh so với 5 năm trước. Trong đó cấp tiểu học có tỷ lệ học sinh đạt về năng lực chiếm 96,8%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THCS đạt bình quân 33,5%, có những trường đạt trên 50%. Tỷ lệ học sinh thi hoặc được xét vào trường THPT đạt 78%; nhiều trường THPT khu vực khó khăn như Pác Khuông (Bình Gia), Vũ Lễ (Bắc Sơn), Bình Độ (Tràng Định), Cao Lâu (Cao Lộc ) đã có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Tiến Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: Năm học 2015-2016, cấp tiểu học có 100% hoàn thành phẩm chất, 97,4% đạt về năng lực, có 57,1% học sinh được khen thưởng; cấp THCS có 4,6% học lực giỏi, 28,9% học lực khá, tỷ lệ học lực yếu đều giảm nhanh. Đồng chí Vi Song Hào, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Gia nói rằng: Với gần 3.000 học sinh phổ thông của 34 trường phổ thông DTBT, hàng nghìn học sinh mầm non và học sinh THPT của 18 xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo, tiền để ăn học, sự học của huyện Bình Gia đang khởi sắc mạnh mẽ về cả tỷ lệ huy động lẫn chất lượng giáo dục. Bằng chứng là ngày càng nhiều học sinh vào 2 trường THPT, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, hoặc vào các trường trung cấp nghề; chất lượng nguồn nhân lực của toàn huyện ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: 5 năm, thời gian chưa nhiều, song đã đủ để kiểm chứng tính đúng đắn của các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, đây là minh chứng rõ ràng nhất về chính sách giáo dục dân tộc của Đảng và Nhà nước, là hành động cụ thể thực hiện quốc sách về giáo dục và đào tạo.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()