Hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Dương
Bình Dương là một trong 5 địa bàn thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất cả nước. Thời gian qua, đầu tư nước ngoài đã góp phần hỗ trợ địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
– Bình Dương là một trong 5 địa bàn thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất cả nước. Thời gian qua, đầu tư nước ngoài đã góp phần hỗ trợ địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiện đại hoá công nghệ sản xuất Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2012, Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1631,4 triệu USD, chiếm 20,8% tổng vốn đăng ký cấp mới trong tổng số 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới. Trong 4 tháng đầu năm 2013, tuy nền kinh tế trong nước và trên thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương tiếp tục đạt kết quả tích cực với số vốn đăng ký 447,2 triệu USD và 28 dự án được cấp phép mới, đứng thứ 3 trong cả nước (sau Bình Định và Thái Nguyên). Trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn Bình Dương, lĩnh vực công nghiệp thu hút số dự án và số vốn đầu tư lớn nhất, chiếm tỷ trọng 92,75% trong tổng số dự án và chiếm 71,6% vốn đầu tư đăng ký. Điểm mới trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Bình Dương trong những năm gần đây, đó là đã thu hút được một số dự án với quy mô vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 15,58% tổng vốn đầu tư, trong đó có dự án với số vốn đầu tư 1.200 triệu USD. Kết quả này đã góp phần giúp địa phương đẩy nhanh phát triển thị trường bất động sản. Nhờ đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, nên đến nay đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư vào Bình Dương, thì nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng 34,13% tổng dự án. Các dự án của Đài Loan thường là các dự án vừa và nhỏ, trung bình một dự án khoảng 4,99 triệu USD. Đây là sự lựa chọn chiến lược của nhà đầu tư vì các dự án nhỏ thường ít bị ảnh hưởng khi có sự cố tài chính, dễ chọn lựa và thuê nhân công, nhanh thu được lợi nhuận. Chiến lược của Đài Loan là vốn bỏ ban đầu thấp, sau đó tùy theo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh mà ra quyết định sẽ tăng hay giảm vốn đầu tư. Đứng thứ hai là các nhà đầu tư Hàn Quốc với vốn đầu tư trung bình của một dự án là 3,3 triệu USD. Nhật Bản đứng thứ ba với vốn đầu tư trung bình của một dự án là 10,3 triệu USD. Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng là những nhà đầu tư có số vốn đầu tư khá cao. Quy mô trung bình của mỗi dự án khá lớn, lên đến 13 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các dự án công nghiệp gốm sứ, điện, điện tử, may mặc, sản xuất trang thiết bị, phụ tùng xe hơi… Bên cạnh các nền kinh tế ở khu vực châu Á có số dự án đầu tư lớn vào Bình Dương, còn có các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Bắc Mỹ với số dự án cũng như vốn đầu tư ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Các nền kinh tế này khi đầu tư vào Bình Dương đã đem đến một nguồn công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho 462.190 lao động; góp phần nâng cao trình độ công nghệ bằng công nghệ mới như dây chuyền sản xuất ôtô, hàng điện tử, sản xuất tổng đài kỹ thuật số, sản xuất cáp quang, sản xuất hoá chất, dược phẩm… Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Theo số liệu của UBND tỉnh Bình Dương, phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều được bố trí vào các khu công nghiệp hoặc cụm quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu hướng vào thị xã Thuận An và huyện Bến Cát chiếm 64,24% tổng số dự án và 66,50% tổng vốn đầu tư. Các dự án ở Thuận An và Bến Cát chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tập trung tại các khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An, Việt Nam Singapore I, Bình Đường, Mỹ Phước I, Mỹ Phước II, Mỹ Phước III. Đây là những địa bàn có lợi thế về vị trí địa lý (gần các tỉnh thành khác như thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Vũng Tàu), rất thuận lợi cho mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm do những địa bàn này có hệ thống giao thông được nâng cấp và hoàn thiện. Các địa bàn khác như Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo cũng có số vốn đầu tư cũng khá cao, chiếm trên 16% về số dự án và vốn đầu tư, tập trung chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm… do những địa bàn này nằm ngay vùng nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Từ số liệu trên cho thấy, công tác thu hút đầu tư nước ngoài ở Bình Dương gắn liền với việc hình thành các khu công nghiệp, đã làm gia tăng đáng kể năng lực sản xuất của các huyện, thị, từ đó, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn tỉnh. Trong thời gian qua, nhiều công trình lớn đã hoàn thành đưa vào sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư, nhiều công trình trọng điểm làm cơ sở cho tăng trưởng giai đoạn sau được khởi công và đẩy nhanh tiến độ. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn mức tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp nói chung của cả tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và tăng cường năng lực của nhiều ngành công nghiệp hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may… Tạo nên hiệu ứng lan toả Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một bộ phận kinh tế quan trọng, có quan hệ hữu cơ với các thành phần kinh tế khác của tỉnh. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI được nâng cao qua số lượng các doanh nghiệp tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, có tác động lan tỏa đến các thành phần khác của nền kinh tế thông qua sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, công nghệ và năng lực kinh doanh được chuyển giao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sự lan tỏa này được thể hiện theo hàng dọc giữa các doanh nghiệp trong ngành dọc hoặc theo hàng ngang giữa các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI cũng tạo động lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, một số chuyên gia Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã dần thay thế các chuyên gia nước ngoài trong việc đảm nhiệm các vị trí quản lý doanh nghiệp cũng như điều khiển các quy trình công nghệ hiện đại nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong những năm đầu có Luật Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: chế biến gỗ, sản xuất đũa tre, sản phẩm cao su… Trong những năm sau này, vốn đầu tư nước ngoài tập trung nhiều vào ngành công nghiệp kỹ thuật cao như: sản xuất hàng linh kiện điện tử, phụ tùng xe ôtô, xe máy, sản xuất nhựa PVC, kính cao cấp, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa… Có thể thấy, qua các thời kỳ, định hướng thu hút FDI lĩnh vực tuy có thay đổi về lĩnh vực, sản phẩm cụ thể nhưng cơ bản vẫn theo định hướng khuyến khích sản xuất vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác, sản xuất sản phẩm và linh kiện điện tử. Nhìn chung, trình độ công nghệ của khu vực FDI cao hơn hoặc bằng các thiết bị tiên tiến đã có trong nước và tương đương các nước trong khu vực. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp Để tiếp tục thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Bình Dương đang tiếp tục đưa ra những kiến nghị với Chính phủ để rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu; sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Kiến nghị ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp, công nghệ cao, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc lợi như nhà ở, bệnh viện, trường học, khu văn hoá, thể thao cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy triển khai sớm các dự án đầu tư giải ngân vốn đầu tư theo đúng tiến độ đã cam kết. Không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường. Thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất. Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn để có hướng xử lý đối với từng loại dự án. Tiến hành thu hồi các dự án không có khả năng triển khai, các dự án ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm. Tăng cường phối hợp với các Sở ngành chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất thải tại các doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường như xử lý chất thải rắn, nước thải…, giao thông để đấu nối đồng bộ với hạ tầng của các khu công nghiệp. Rà soát tình hình cung cấp điện cho các doanh nghiệp, nhất là các dự án có nhu cầu sử dụng điện lớn, đánh giá khả năng và đề xuất giải pháp bảo đảm cấp điện ổn định cho sản xuất kinh doanh, bao gồm cả biện pháp huy động các nguồn vốn cho phát triển để các doanh nghiệp, các khu công nghiệp chủ động về nguồn điện. Nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao trình độ lao động, đặc biệt là đối với người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các giải pháp hạn chế đình công xảy ra không đúng trình tự pháp luật quy định. Tăng cường giáo dục và tuyên truyền pháp luật lao động, đưa pháp luật lao động vào cuộc sống thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt lưu ý tới việc đào tạo các ngành nghề hiện đang thiếu hụt lao động và đào tạo tại các khu vực tập trung các khu công nghiệp, các dự án lớn có nhu cầu cao về số lượng lao động, chuyển đổi nghề cho nông dân khi bị thu hồi đất làm dự án đầu tư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở Ban Quản lý. Thường xuyên tiếp xúc doanh nghiệp để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và phát luật hiện hành, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Bình Dương, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới thông qua các nhà đầu tư cũ. Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nhà nước đối với FDI, đặc biệt trong việc phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quản lý tốt các dự án FDI gắn với việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư. |
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()